Sau 14 năm trống tòa, giáo phận Vũ Hán bên Trung Quốc có giám mục mới, đó là cha Giuse Thôi Khánh Kỳ (Cui Qingqi), sẽ được truyền chức giám mục lúc 8 giờ sáng, ngày 08/9 tới đây, lễ Sinh nhật Đức Mẹ, tại nhà thờ chính tòa thánh Giuse ở địa phương.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Hãng tin Asia News truyền đi hôm 06/9/2021, cho biết Đức cha Giuse Thôi Khánh Kỳ năm nay 57 tuổi (1964), sinh tại Trường Trị (Changzhi) tỉnh Sơn Tây và thụ phong linh mục năm 1991. Ngoài nhiệm vụ giám quản, cha Thôi còn đảm nhận vai trò thư ký và Tổng đại diện của giáo phận Vũ Hán.
Ngày 27/9 năm ngoái (2020), cha được các tổ chức Giáo hội trung thành với đảng cộng sản Trung Quốc, bầu làm ứng viên Giám mục và tên của cha được gửi về Tòa Thánh như một ứng viên duy nhất.
Đây sẽ là giám mục thứ tư được Tòa Thánh bổ nhiệm cho Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc, theo hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về vấn đề này. Vị đầu tiên là giám mục giáo phận Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, thứ hai là giám mục giáo phận Hồng Động-Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây, và thứ ba là Đức cha Lý Huy (Li Hui), giám mục Phó giáo phận Bình Lương (Pingliang) tỉnh Cam Túc (Gansu), hôm 28/7 vừa qua.
Hãng Asia News cũng nói rằng việc truyền chức giám mục cho Đức cha Thôi Khánh Kỳ đặt vấn đề quyền tài phán của ngài như giám mục. Theo Nhà nước Trung Quốc, giáo phận Vũ Hán gồm ba tòa giám mục trong Giáo hội Công giáo là Hán Khẩu, Vũ Hán và Vũ Xương (Wuchang). Người ta không rõ đâu là quyền tài phán mà Tòa Thánh phê chuẩn cho Đức tân giám mục, vì vấn đề biên giới các giáo phận chưa được chính thức giải quyết.
Vũ Hán là thủ phủ tỉnh Hồ Bắc (Hubei) và là trung tâm từ đó nảy sinh đại dịch Covid-19. Trong lịch sử, tại Vũ Hán ngày 13/4/1958 đã diễn ra cuộc truyền chức giám mục đầu tiên không có phép của Tòa Thánh cho hai người là Bernardino Đổng Nghiễm Thanh (Dong Guangqing), giám mục Hán Khẩu (Hankou) và Marco Viên Văn Hoa (Yuan Wenhua), giám mục Vũ Xương.
Từ lâu, Nhà nước Trung Quốc muốn có một giám mục tại Vũ Hãn, được coi là một bằng chứng và biểu tượng sự tự trị của Giáo hội Công giáo do đảng cộng sản Trung Quốc kiểm soát. Năm 2007, Nhà nước chọn linh mục Giuse Trầm Quốc An (Shen Guo’an) làm giám mục, và ấn định ngày truyền chức là 09/6/2011. Nhưng vài ngày trước đó, cuộc truyền chức này bị hủy bỏ mà không có lý do nào được đưa ra để giải thích. Năm 2012, cha Trầm Quốc An ngưng làm giám quản Vũ Hán và nhà nước đặt cha Thôi Khánh Kỳ làm giám quản thay thế.
Đức Tổng giám mục Hàn Đại Huy:
Bi kịch ba màn của Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc
Đức Tổng giám mục Savio Hàn Đại Huy (Hon Tai Fai) | uscatholicchina.org
Trong bài thuyết trình tại Hội nghị quốc tế lần thứ 28 của Hội Công giáo Mỹ – Hoa, Đức Tổng giám mục Savio Hàn Đại Huy (Hon Tai Fai) đã trình bày về bi kịch ba màn của Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Hội nghị tiến hành từ ngày 06 đến 08/8/2021 vừa qua, tại Đại học Công giáo Santa Clara của dòng Tên ở bang California. Hãng tin Ucan, truyền đi ngày 19/8/2021 vừa qua, đã tóm lược ý chính bài thuyết trình của Đức Tổng giám mục.
Đức Tổng giám mục Hàn Đại Huy năm nay 70 tuổi (21-10-1950), người Hong Kong, thuộc dòng Don Bosco. Hồi tháng Mười Hai năm 2010, ngài được Tòa Thánh bổ làm Tổng giám mục Tổng thư ký Bộ Truyền giáo, nhưng hồi tháng Chín năm 2017, ngài được chuyển đi làm Sứ thần Tòa Thánh tại Hy Lạp, mặc dù không xuất thân là nhà ngoại giao chuyên nghiệp.
Trong bài thuyết trình, Đức Tổng giám mục Hàn Đại Huy trình bày trình trạng Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc qua ba màn kịch dưới thời cộng sản:
Thứ nhất, từ năm 1949 đến 1980 là giai đoạn “kháng cự và chia rẽ”. Giáo hội Công giáo bị phân thành Giáo hội hầm trú và Giáo hội chính thức được nhà nước công nhận. Hai bên thù nghịch với nhau. Nhà nước chủ trương chính sách “chia để trị”.
Thứ hai, từ 1980 đến 2013: Tòa Thánh khuyến khích các tín hữu Công giáo Trung Quốc trung thành với Giáo hội và xác quyết Giáo hội Công giáo chính thức, độc lập do nhà nước điều khiển không thể là Giáo hội Công giáo chân chính. Tuy nhiên, Tòa Thánh cổ võ sự hòa giải giữa hai cộng đoàn. Chính phủ Trung Quốc cũng dấn thân trong chính sách đổi mới và cởi mở.
Giai đoạn thứ ba, từ năm 2013 với hai diễn viên chính là Đức Giáo hoàng Phanxicô và Tập Cận Bình: hai lãnh tụ nhận chức chỉ cách nhau một ngày: Đức Giáo hoàng được bầu ngày 13/3/2013 và Tập Cận Bình ngày 14/3 sau đó. Hai vị trao đổi thư chúc mừng nhau. Dưới lãnh tụ mới, giấc mơ mong ước một Trung Quốc mạnh hơn được đẩy mạnh tối đa. Trong giai đoạn này, Vatican bị “mù” vì loại bỏ các cơ cấu tham vấn tốt đẹp của mình về Trung Quốc. Vì quan hệ với Trung Quốc, các cộng đồng Công giáo thầm lặng ở Hoa Lục cảm thấy bị Tòa Thánh bỏ rơi. Thay vì chiếu sáng hơn, Vatican lại giảm bớt ánh sáng giáo huấn cuối cùng của Giáo hội và sự tử đạo của nhiều tín hữu Công giáo.
Đức Tổng giám mục Hàn Đại Huy ví tình hình Công giáo tại Hoa Lục hiện nay với sự bùng phát của Covid-19 và nói rằng: Hiệp định năm 2018 của Tòa Thánh với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục tại Hoa Lục, đi kèm với sự nhìn nhận hồi tháng Mười Hai năm 2018 và bổ nhiệm hai giám mục bị vạ tuyệt thông thành giám mục chính tòa coi sóc hai Giáo phận, giống như một virus. Và năm 2019, khi Tòa Thánh công bố chỉ dẫn mục vụ, dạy các giám mục và linh mục tại Trung Quốc hãy theo lương tâm của mình, trong việc quyết định có đăng ký với Nhà nước hay không, thì đó là thứ “virus biến thể”.
Đức Tổng giám mục nhận định rằng: “Bi kịch này như một màn kịch đấu tranh căng thẳng giữa Giáo hội và Nhà nước, đức tin và chính trị, lương tâm và quyền bính…” Và ngài đặt câu hỏi: “Đâu là loại người tôi muốn tìm kiếm trong màn kịch căng thẳng này? Phải chăng là cây sậy lung lay trước gió, hay là một người kiên vững trong mọi mùa? Tôi thích người thứ hai này hơn. Một số người trong số họ đã là những người tử đạo đổ màu đào, một số người khác cũng làm chứng tá giá trị bằng cuộc sống của họ”.
(Ucan 19-8-2021)