Chúng tôi đến Núi Cúi khoảng 10g sáng ngày Chúa Nhật 2023. Một vùng trời đất bao la mở ra trước mắt. Xa xa, tượng Mẹ Núi Cúi đứng sừng sững uy nghiêm. Mẹ đứng trong tư thế cúi xuống đoái nhìn đàn con, lũ lượt từ các nơi đang kéo về kính viếng Mẹ.
Chúng tôi về đây nhân cơ hội mừng sinh nhật lần thứ 90 của thầy Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn, người thầy đáng kính của chúng tôi. Khi lên rước thầy tại trung tâm Mục Vụ, thầy rất vui và cũng muốn đi với chúng tôi, nhưng vì tuổi đã cao và cũng mới trải qua cơn bệnh nặng, nên sức khỏe cũng yếu nhiều. Các cha và thầy Điệp có nhiệm vụ chăm sóc thầy khuyến cáo là thầy không nên đi. Chuyến đi đến núi Cúi, giáo xứ Giốc Mơ hạt Gia Kiệm cũng phải mất đến 4 giờ đồng hồ vừa đi vừa về, sẽ ảnh hương không tốt đến sức khỏe, nên thầy quyết định ở lại không đi nữa. Các học trò đành phải mừng sinh nhật thầy ngay tại chỗ, nhận phép lành của thầy rồi ra xe.
Tới nơi, điều bất ngờ đầu tiên là chúng tôi được gặp đức cha An tôn Vũ Huy Chương, cũng là người thầy của chúng tôi ngày trước vui vẻ đứng đón, bắt tay hỏi han từng người. Đức cha An tôn thấy cũng đã già, hình như ngài cũng đã 80 tuổi. Tuy nhiên, niềm vui gặp lại những người học trò năm xưa thể hiện rõ trên khuôn mặt, giọng nói, nụ cười của ngài. Ngài như trẻ hẳn lại.
Thánh lễ được diễn ra trang trọng, ấm cúng trong tình thầy trò, trong tình anh em, trong tình gia đình cựu chủng sinh thánh Quí và gia đình huyết tộc thánh Quí. Trong bài giảng đức cha An tôn chủ sự thánh lễ, đã gợi nhớ biến cố Chúa đem các môn đệ lên núi Tabor xưa, biến hình trên đó với hình ảnh Đức Mẹ đem đoàn hành hương lên núi Cúi hôm nay để được Chúa biến đổi tâm hồn. Một liên hệ thật ý nghĩa. Cuối thánh lễ, đức ông Tú đứng lên kể về lịch sử của linh điạ Đức Mẹ Núi Cúi. Tôi nghe được đại khái như sau :
Sau khi giáo phận Bà Rịa tách ra khỏi giáo phận Xuân Lộc, linh địa Đức Mẹ Bãi Dâu về địa lý, đã tách ra khỏi giáo phận Xuân Lộc nhường về cho giáo phận Bà Rịa, nên giáo phận Xuân Lộc không còn trung tâm hành hương cấp giáo phận nữa. Đức cha Nguyễn Chu Trinh, nguyên giám mục giáo phận Xuân Lộc rất trăn trở về điều này. Ngài đã nghĩ đến chuyện lấy 13,5 ha đất của giáo phận nằm tại giáo xứ Russeykeo gần chân núi Chứa Chan, Long Khánh để lập một điểm hành hương.
Công việc được bắt đầu tiến hành thì nhà nước vào cuộc. Nhà nước không cho tiến hành với lý do đất này nằm gần đất quốc phòng (hình như là một sân tập bắn). Nhà nước sau đó đã đổi cho 20 ha đất tại vùng ngày nay là núi Cúi. Tới đây những phép lạ đã xảy ra.
Biết được nơi đây sau này sẽ là một linh địa kính Mẹ, những giáo dân thuộc khu vực này chẳng quản tài sản riêng tư, đã kéo đến xin dâng đất để xây dựng linh địa. Một phép lạ thực đã sự xảy ra khi ngày hôm nay linh địa đã được định hình trên một vùng đất đẹp tươi thoáng đãng, với diện tích lên đến hơn 100 ha. Từ 13,5 ha ban đầu nay đã được trên 100 ha (theo mình, có thể sau này sẽ còn thêm nữa). Câu chuyện này mình được nghe chính đức ông Tú tự hào kể lại chứ, chưa từng được đề cập đến trong các tài liệu bên ngoài. Đúng là một phép lạ.
Linh địa nằm tại giáo xứ Giốc Mơ, xã Gia Tân huyện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai. Giáo xứ Giốc Mơ được hình thành từ sự qui tụ giáo dân từ miền Bắc năm 1954 di cư đến vùng này. Nhận thấy tại đây quang cảnh thì đẹp đẽ, đất đai thì trù phú, khí hâu thì mát mẻ nên họ đã quyết định định cư tại nơi này. Đối với những người miền Bắc quen sống quanh quẩn với mảnh ruộng con con, họ thấy đây là một giấc mơ đẹp nên đã đặt tên giáo xứ là Giốc Mơ, vì nơi đây gần ngay một con giốc. Ngày nay, với linh địa Đức Mẹ ngự trị tại đây, Giốc Mơ này không những đẹp như một giấc mơ, mà còn mang trong mình bao nhiêu ơn phúc nữa vì đã hình thành nên trong nó một linh địa kính Đức Mẹ. Chắc chắn nơi đây sẽ là một điểm hành hương tâm linh đông đúc vì nằm trên đường QL 20 đi Đà Lạt, một vùng du lịch nổi tiếng nhất tại miền Nam.
Sau thánh lễ, đoàn lên đọc kinh kính viếng Mẹ. Một vùng trời đất bao la mở ra trước mắt. Mẹ đứng giữa trời đất bao la, giữa trời xanh mây trắng, gió lồng lộng. Mắt hướng về giáo phận Xuân Lộc như sẵn sàng chở che cho con cái giáo phận. Sau lưng Mẹ, hồ Trị An mênh mông, một điểm nhấn tuyệt vời, như nhắc nhớ mọi người tới dòng nước thiêng ơn phúc, Mẹ sẽ ban cho mọi người không bao giờ cạn. Mình đã cẩn thận đếm từng bậc thang bước lên và đếm được 107 bậc. Độ cao cũng vừa phải cho khách hành hương, nhất là những người đã lớn tuổi.
Được biết 11 hạng mục công trình vĩ đại sẽ được thực hiện tại đây do chính ông Ngô Viết Nam Sơn, một kiến trúc sư nổi tiếng với nhiều công trình trong và ngoài nước thực hiện. Ông là con của kiến trúc sư tài ba Ngô Viết Thụ, người đã thiết kế dinh Độc Lập, nhà thờ Phủ Cam, nhà thờ Bảo Lộc và nhiều công trình nổi tiếng khác nữa. Ông cũng là người đã thiết kế nhà thờ Trung Chánh giáo xứ gốc của mình. Có điều mình không biết ông đã là người Công Giáo chưa.
Kết thúc cuộc hành hương là bữa tiệc Agape do gia đình anh Nghị đãi. Cứ thấy vợ chồng con cái anh Nghị lăng xăng chạy đi chạy lại, mặt mày tươi rói là biết hạnh phúc đang ngự trị nơi gia đình này rồi.
Chuyến hành hương kết thúc tốt đẹp vào khoảng 14 g. Âm hưởng tốt đẹp của nó là lời mời chính thức từ đức cha An tôn. Ngài vui vẻ mời mọi người vào dịp kính thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (01/10), cũng là ngày mừng 20 năm giám mục của ngài, lên mừng lễ tạ ơn với ngài tại nhà hưu dưỡng Bảo Lộc nơi ngài đang ở. Thật là thân tình lại nở hoa thân tình. Niềm vui lại nối tiếp niềm vui.
Tạ ơn Chúa và Mẹ Maria.
+ Gioan B. Phạm văn Đài