Thiện Nguyện Viên: Cảm Nghiệm của một Nữ Tu Thiện Nguyện bị nhiễm COVID19

(DMNC) NHƯ HẠT LÚA GIEO VÀO LÒNG ĐẤT

Thien Nguyen 1

     Hành trình phục vụ tại Khu cách ly và Bệnh viện dã chiến đã đong đầy trong tôi biết bao cung bậc cảm xúc. Hôm nay tôi đã trở về cộng đoàn sau những ngày tháng phục vụ bệnh nhân Covid. “Như hạt lúa mì gieo vào lòng đất” (Ga 12, 24), tôi đã ước ao như hạt lúa mì nhỏ, hy sinh bản thân để trao ban sự sống; tôi đã muốn mang trái tim yêu thương đến với các bệnh nhân đau khổ; tôi muốn góp thêm đôi bàn tay bé nhỏ để cùng với mọi người đẩy lui dịch bệnh. Tôi hạnh phúc vì ước nguyện đó đã được thực hiện  dẫu vẫn còn dang dở.

Nhớ ngày đầu tiên lên đường tâm hồn tôi thật háo hức phấn khởi, nhớ ánh mắt lo lắng của Dì Phụ trách dõi theo tôi, cùng với lời mắng yêu “con bé này đoảng lắm”. Tôi muốn cám ơn Dì thật nhiều vì đã tin rằng Chúa sẽ luôn đồng hành với tôi nên Dì đã sẵn lòng trao gửi tôi đến môi trường phục vụ mới, nơi sẽ có thể gặp điều bất trắc nguy hiểm, với một niềm phó thác tin tưởng vào Chúa.

Niềm vui phục vụ càng nhân lên khi tôi cảm nhận được tình thân thương của mọi người trong nhóm thiện nguyện; sự nhiệt tình quảng đại của Cha phụ trách nhóm, tinh thần xả thân hy sinh trong vui tươi của quý thầy, các bạn trẻ và các chị cùng dòng như tiếp thêm sức mạnh cho tôi trong những ngày phục vụ tại khu cách ly. Thế nhưng, trong thánh ý nhiệm mầu, Chúa lại mời gọi tôi tiếp tục bước vào một hành trình mới dấn thân cách can đảm hơn. “Cha gợi ý với sơ Hương đến bệnh viện dã chiến…sơ thấy thế nào nhưng chắc ý Chúa là không muốn sơ ở đây nữa”. Cuộc trao đổi diễn ra thật ngắn gọn nhưng chất chứa nhiều tâm tình thương mến của một người Cha. Vâng lời trong sự bình an và tín thác bởi nếu điều đó là đẹp lòng Chúa thì việc nhiễm bệnh Covid lại là cơ hội để Chúa dẫn tôi đi trên nẻo đường mới của Người theo cách thức mà Chúa muốn.

Tôi luôn phải tạ ơn Chúa thật nhiều vì cho tôi cảm nghiệm được tình thương Chúa trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong những thời khắc khó khăn nhất. Trải nghiệm lần đầu tiên ngồi một mình trên xe cứu thương với tư cách là một bệnh nhân Covid quả thật đặc biệt. Tiếng còi xe cứu thương luôn là một nỗi ám ảnh, đáng sợ nhất trong thời điểm hiện tại; với cảm nhận bấp bênh mong manh của phận người, tôi đã nghĩ đến và thương cho những phận người bé nhỏ, đau khổ nhất, không niềm tin, không còn hy vọng. Riêng tôi, dù đi đâu về đâu, dù có như thế nào và ngay cả cái chết cũng không đáng sợ vì tôi luôn có Chúa ngay bên từng giây từng phút. Tôi nghĩ rằng mình thật liều lĩnh, nhưng tôi vẫn vui vì đã liều lĩnh tin tưởng vào Giêsu. Điều đó làm cho tôi luôn bình an, không cần phải lo lắng và sợ hãi.

Tôi đã khám phá ra ý nghĩa mới khi là thành viên của gia đình FO, tôi được chung chia nỗi đau với bệnh nhân, cảm nhận được tâm trạng lo lắng, sợ hãi và nhìn thấy được sự khó khăn thiếu thốn của họ ở ngay bên. Trong hoàn cảnh xem ra thật ngặt nghèo, nhưng Chúa vẫn tiếp tục mời gọi tôi ra khỏi chính mình để nâng đỡ, an ủi, sẻ chia.

 Được mời gọi trở nên Tông đồ thừa sai, được trở nên mọi sự với mọi người, sẻ chia vui buồn “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15) trong mọi hoàn cảnh dù là một  tình nguyện viên hay là một bệnh nhân covid vẫn là một ân huệ đối với tôi. Khi tôi biết chọn Chúa và tha nhân, thì chính Chúa cho cơ hội để làm cho ánh sáng tình yêu của Người lan tỏa trong lòng mọi người.

 Dù không muốn khóc nhưng những giọt nước mắt của tôi đã rơi, những giọt nước mắt của niềm vui và cả những giọt nước  mắt của đau buồn. Vui khi nghe thấy những tiếng cười, những tiếng vỗ tay của các bệnh nhân khi họ nhận được kết quả âm tính hay nghe thấy tên mình có trong danh sách được xuất viện trở về nhà; khóc khi chứng kiến những giọt nước mắt đau buồn của bệnh nhân vì mất đi người thân trong gia đình ở một nơi nào đó trong khu cách ly hay bệnh viện.

          Sau những ngày nghỉ ngơi điều trị covid, trở về lại với vai trò là tình nguyện viên phục vụ tại bệnh viện dã chiến, tiếp tục khoác trên mình bộ quần áo bảo hộ, tâm hồn tôi tràn ngập niềm vui. Công việc phục vụ hằng ngày của tôi là giúp đỡ các bệnh nhân đau bệnh không có khả năng tự phục vụ như cho ăn, thay tã, đổ bô, giặt quần áo; lau dọn khu nhà vệ sinh, hành lang phòng theo dõi và phòng cấp cứu. Công việc của tôi tuy bé nhỏ, bình thường nhưng tôi thấy vui, ý nghĩa vì đã giúp ích và xoa dịu một phần nào đó nỗi đau tinh thần, thể xác của các bệnh nhân. Nhìn thấy bệnh nhân mệt mỏi, đau đớn khiến tôi không khỏi nhói lòng. Tôi cảm thấy bệnh viện giống như gia đình và người bệnh giống như là người thân của tôi vậy nên dù hy sinh hơn cũng không hề gì. Niềm vui lớn của tôi là khi thấy bệnh nhân khỏe lại và được xuất viện trở về nhà. Một chị sau khi xuất viện đã nói với tôi rằng: chị bị covid và thêm một bệnh nền khác làm chị đau đớn, cơn đau hành hạ khiến chị muốn tự tử nhưng mỗi lần nhớ đến tôi, nhớ những lời động viên, an ủi, dù không có đạo nhưng qua tôi chị tin rằng có Chúa, Chúa sẽ chữa lành cho chị. Tôi không nghĩ mình đã làm được gì lớn lao bởi tôi biết mình bé nhỏ không dám dựa vào sức riêng chỉ biết bám vào Chúa để cùng với Người trở thành chỗ dựa tinh thần cho người khác. Mỗi việc tôi làm, mỗi lời tôi nói khi được đặt vào đó tình yêu đã trở nên sức mạnh giúp tôi vượt qua mọi trở ngại và mệt nhọc, tôi tìm thấy niềm vui trong chính công việc phục vụ của mình.

Chuyến hành trình thật thấm thía, sâu sắc tình Chúa và tình người. Những gì tôi nhận được dường như còn lớn hơn cả những gì cho đi. Thật ấm áp khi tôi nhận được sự yêu thương, quan tâm và động viên của nhiều người; thật vui khi tôi biết rằng mình nhận được rất nhiều lời cầu nguyện. Sự sẻ chia gắn kết những trái tim lại với nhau, năng lực yêu thương được lan tỏa nhờ sự liên đới, trao ban.

Tạ ơn Chúa về tất cả những gì xảy đến cho tôi, về nẻo đường mà Chúa đã dẫn tôi đi theo cách Chúa muốn. Giờ đây, tôi sẽ là “hậu phương” vững chắc với lời cầu nguyện tha thiết đan dệt với những hy sinh bé nhỏ âm thầm dâng lên Chúa cầu mong đại dịch sớm chấm dứt.

Nt. Têrêsa Cao Trang Hoài Hương

Từ khoá:

Bài viết liên quan SỐNG ĐẠO