Thiện nguyện viên và con đường tìm đến Chúa

(DMNC)  “Ta là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6) – cảm xúc từ bài viết “Hồi ký: Phục vụ tại khu cách ly” và suy nghĩ về con đường tìm đến Chúa… 

Tôi có thói quen xem tin tức vào mỗi tối, thường xuyên theo dõi tình hình ở Việt Nam, nhất là cuộc sống của bà con Sài Gòn quê hương tôi, để dõi theo mảnh đời của những người theo Đức Giêsu cùng với Mẹ Maria – người Mẹ nhân từ đã cưu mang và dẫn lối cho tôi trên bước đường non trẻ, và tiếp tục dẫn dắt tôi đến giây phút này.

Tối nọ, tình cờ tôi xem bài viết “Hồi ký: Phục vụ tại khu cách ly”, tác giả là Fx. Hoàn Mỹ, đăng trên trang web Tổng Giáo Phận Sài Gòn ngày 2-9-2021. Xem đi xem lại vài lần, bất chợt, tôi có nhu cầu hướng thiện và một cảm hứng viết – viết với cảm xúc của người con xa quê hương, đan xen tâm tình của một tín đồ, và tôi ghi lại suy nghĩ dưới đây của tôi sau khi xem.

Tình đồng đội của ba người bạn tình nguyện viên trong câu chuyện của bài viết này thật đẫm tình người. Không đơn thuần là “để quên đi công việc khó nhọc và đồng thời tăng năng suất hiệu quả”, tình bạn đó còn thể hiện sự hiện diện của Chúa Giêsu trong lòng họ và cách nào đó, họ đã được Chúa soi lối: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 13, 34).

“Mẹ em cũng lo lắm, vì việc này đâu có liên quan nghề của em. Nhiều đêm ngồi một mình, em nhớ mẹ lắm! Rất lâu rồi em không về nhà, nhớ lắm, nhưng biết làm sao?!”, lời chia sẻ này của Phong làm tôi nao lòng. Tôi rất không muốn thấy sự đăm chiêu, nét suy tư nơi người trẻ, bởi tôi đã trải nghiệm. Tôi trải nghiệm không phải dịch bệnh, không phải con virus Corona, nhưng lại có cùng kết quả là đã bị ngang ngược cướp đi nguồn thu nhập và sự tự do của tuổi trẻ, bị cướp đi niềm vui khiến đôi mắt ngấn lệ, lòng se thắt; nó cố phá hủy cuộc sống, khiến ta phải ngậm môi, nín thở… Ôi, thương cho một kiếp người!

Tác giả bài viết không nói ra tâm tư lúc nghe hai bạn trẻ tâm sự. Nhưng tôi biết Chúa đang hiện diện trong cậu ấy và cả trong tôi, giống như chúng tôi đang cùng bước bên nhau trên con đường Chúa đã dọn sẵn vậy. Nên tôi hiểu phần nào tâm tư của tác giả lúc đó. Tác giả rất muốn xua đuổi cái buồn phù du, đang âm thầm từ từ lén chui vào trong tim để kết tổ.

Tuy tôi và tác giả cách nhau nửa vòng trái đất, nhưng có gì đó tôi khiến tôi cảm nhận và đọc được tâm trạng tác giả lúc ấy: mắt nhìn bầu trời xanh lơ, nhìn những ánh tà dương còn vấn vương phản ánh và đan màu vàng đỏ trên những cụm mây trắng, xen kẽ tiếng líu lo gọi đàn của vài con chim trời; chúng thong thả rủ nhau bay về tổ ấm…

Tôi thầm nguyện cầu, mong sao hồng ân từ trời cao tuôn xuống, cho ấm lòng tác giả, cho tác giả cảm nhận một sức sống linh thiêng đang chan hòa trong từng tế bào và từng bắp thịt trong cơ thể cậu ấy, xóa tan mọi phiền não, và rót bên tai cậu ấy dòng chữ, “Ta là con đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14,6)

Ấn tượng khi tôi đọc bài viết, đó là hai nhân vật trong câu chuyện (Phong và Vũ). Tôi rất thương cảm hai bạn này. Cơn đại dịch Covid-19 đã gây ra cho hai bạn một cú sốc nặng, khủng hoảng tinh thần, xô hai bạn vào vùng hấp lực của khoảng trống cô đơn, và buộc hai bạn xa người mẹ già thân yêu. Và tôi biết rõ, trong đau khổ luôn tiềm ẩn bình an, nên tôi mừng thầm cho hai bạn, mừng thầm cho tất cả những ai đang dấn thân phục vụ, bởi họ không để cô đơn làm chủ, ngược lại, họ còn biết lèo lái làm chủ cuộc đời mình.

Đêm đã khuya, tôi ra sân, ngả lưng vào ghế bên hiên nhà, mắt dõi theo những ánh sao lung linh, chợt thấy một ánh sao xẹt xa xa. Tôi vội chắp tay, nhắm mắt, mong ánh sao gửi tâm tình của tôi đến hai bạn, và những người đang dấn thân vì cộng đồng.

Thay vì đi tìm kiếm những thú vui tạm bợ bên ngoài để xoa lấp nỗi cô đơn, nghiệp lực của các bạn đã vô hình đưa đẩy các bạn gõ cửa Thiện, tự giác làm thiện nguyện viên giúp đỡ những bệnh nhân mang Covid-19, tự chuốc thêm phiền muộn vào người, không vì đồng tiền, cận kề thần chết, và còn bị nghe lời trách mắng từ những người đang bị cách ly.

Phong, Vũ mến! Việc thiện nguyện – mà hai bạn đã và đang làm cho thế gian – sẽ không vô ích cho tương lai. Nó đã khắc lưu lại trong bộ nhớ, và sẽ theo hai bạn suốt quãng đời còn lại. Theo thời gian, hạt lành này sẽ đơm bông kết trái, tạo một nhịp cầu nho nhỏ để đưa hai bạn tiến sâu vào đời sống tâm linh.

Phong mến! Tối đến, bạn tự soi mình trong thinh lặng. Đó là bạn biết trở về với chính bạn, biết lắng nghe tiếng nói của con tim. Đó là con đường dẫn bạn vào đời sống nội tâm và cũng là con đường đưa bạn đến với Chân, Thiện, Mỹ. Cuối con đường sẽ là ánh sáng mầu nhiệm, toàn năng, và vĩnh hằng.

Tôi hiểu, bạn càng nói chuyện nhiều với chính bạn thì bạn càng hiểu cái “tôi” của mình. Khi hiểu nó nhiều, bạn sẽ từ từ giảm cái tôi xuống, đồng thời, bạn sẽ nhận ra đời sống tâm linh; nó có một giá trị độc đáo vô nhị và quý giá hơn tất cả các kho tàng ở trên trái đất cộng lại, vì nó là linh hồn sống của mỗi thể xác. Tầm nhìn của bạn sẽ xa hơn, rộng hơn, từ đó, bóng cô đơn mất dần; cái tôi thu nhỏ lại; lục đạo (mắt, mũi, tai, lưỡi, da, và tâm) sẽ thông suốt trong sáng hơn; và cuối cùng linh hồn bạn sẽ trong sáng, nhận ra ánh sáng mầu nhiệm từ từ hiển lộ trong tâm hồn.

Tôi cũng không hơn gì hai bạn, chẳng qua tuổi đời lớn hơn, “may mắn” trải qua những cảnh lạc lõng, trống vắng và cô đơn chính nơi quê cha, và đoạn đầu nơi đất khách. Tôi thiết nghĩ, ai trong đời cũng phải trải qua ít nhiều cô đơn dày xéo tâm khảm họ.  Họ không đi tìm cô đơn, nhưng cô đơn có dịp hỏi thăm sức khỏe họ. Ngay cả những “siêu nhân” cũng phải đối đầu với cô đơn.

Thật vậy, trong lịch sử nhân loại, Đức Phật Thích Ca tịnh khẩu đã ngồi thiền 49 ngày dưới cây Bồ Đề, cách đây hơn 2500 năm, để đi tìm nguồn gốc của sự đau khổ cho nhân loại trước khi Ngài đạt được chánh quả. Đức Chúa Giêsu, cách đây 2000 năm, đã bị cám dỗ bởi ma quỷ trong suốt 40 ngày đêm thử thách trong sa mạc, để rèn luyện tâm linh trước khi Ngài ra truyền đạo.

Hiển nhiên, Phong, Vũ và tôi chỉ là những phàm nhân, không sánh được với các siêu nhân, nhưng tôi cầu mong hai bạn và những người đang dấn thân, sẽ vượt qua cửa ải cô đơn để tạo lại thăng bằng cuộc sống và gìn giữ thân tâm an lạc.

Cuối cùng, tôi có vài lời gửi đến tác giả bài viết “Hồi ký: Phục vụ khu cách ly”.

Hoàn Mỹ mến!

Sự tương phản giữa hai sức sống trong cơ thể con người, rất khó nhận ra:

– Một là sức sống cơ thể, thiên về hướng ngoại, chạy theo dục vọng của sáu giác quan và bộ nhớ, bám vào phù du, bắt ảo ảnh, và tìm thăng trầm, sinh tử, vui buồn trong kiếp người.

– Hai là sức sống tâm linh, nghiêng về hướng nội, sống giản dị, tìm bình an, toàn năng và vĩnh hằng.

Cơ thể là phần nổi, biểu hiện và sống được là nhờ sức sống của phần chìm (tâm linh).

Tìm và đến với tâm linh, là tìm sống mãi theo thời gian, từ thế hệ này qua thế hệ khác, vì đời sống tâm linh là mầu nhiệm và vĩnh hằng.

Mỹ tạo được thú vui trong công việc phục vụ, tức là đang trên đường tìm đến và nhận ra giá trị tâm linh. Mỹ chú tâm đến tha nhân, Mỹ sẽ nhận được một vị trí cao quý  trong “Con Đường Tìm Đến Chúa.”

Mỹ chắc đã đọc nhiều, viết nhiều. Vậy, hãy tiếp tục đào sâu nhận thức trong Kinh Thánh, hiểu trọn vẹn, sống và làm theo lời Chúa, chắc chắn trong tương lai, linh hồn sẽ trong sạch, giao lưu được với ánh sáng mầu nhiệm của Chúa.

Chỉ rất ít linh hồn, hiếm lắm, mới nhận diện được Chúa, dù rằng Chúa luôn yêu thương con người, đồng hành với mỗi người trong từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây, và trong suốt cả cuộc đời. Ngài luôn bao dung, giúp đỡ mọi người trong lúc hoạn nạn cũng như lúc thành công

Đọc những lời tâm sự của hai bạn trẻ Phong, Vũ do Hoàn Mỹ kể lại trong câu chuyện, tôi có dịp ôn lại những mảnh ghép quá khứ của mình. Chúng là những kinh nghiệm thật và là hành trang quý báu cho tôi trong quãng đời còn lại trên thế gian sôi bỏng này.

Hãy tiếp tục từng ngày nhé, tiếp tục thương yêu đùm bọc lẫn nhau, vì các bạn có một điểm tương đồng: đó là gõ cửa Thiện để rèn luyện tâm linh.

Tôi mong rằng: Hoàn Mỹ, Phong, Vũ và những người đang dấn thân phục vụ, sẽ nhận diện được ánh sáng mầu nhiệm trong tâm khảm của mỗi người trong tương lai. Ngày đó, chính các bạn sẽ tự chứng nghiệm câu nói: “Ta là con đường, là sự thật, và là sự sống.” (Ga 16,4)

Đêm nay, đêm yên lặng, tĩnh mịch, tôi nhắm mắt, khấn thầm xin Chúa Giêsu ban hồng ân cho mỗi linh hồn nơi xa ấy, để các bạn thấy được những ánh sáng mầu nhiệm của Ngài đang ngự trong tim các bạn. Xin Chúa luôn mãi là ngọn đuốc tâm linh dẫn dắt các bạn thoát khỏi những khúc ngoặt éo le, hoặc những cám dỗ của cuộc đời, ngõ hầu giúp các bạn luôn vững tin, khỏe mạnh, qua đó, các bạn tiếp tục giúp gia đình, người thân, bạn bè, và các bệnh nhân Covid-19. (  

Cali. USA, 4-9-2021
Dumark Trung Kiên (TGPSG)

Từ khoá:

Bài viết liên quan SỐNG ĐẠO