Kinh Mân Côi được yêu mến qua các triều đại Giáo hoàng

KINH MAN COI CAC DUC GIAO HOANG YEU MEN

Kính thưa quý vị, các bạn thân mến,

Trong nhịp sống của Giáo hội, Kinh Mân Côi không chỉ là lời kinh được các tín hữu yêu mến mà còn có nhiều Đức Giáo Hoàng say mê suy niệm. Trong số đó, phải kể đến Đức giáo hoàng Lêô thứ XIII, ngài được gọi là Đức Giáo Hoàng của Kinh Mân Côi, vì riêng ngài đã ban hành 9 thông điệp và 3 tông thư về Kinh Mân Côi. Kế tiếp là Đức giáo hoàng Piô thứ XII, Đức giáo hoàng Phaolô thứ VI và gần nhất là thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Vào ngày 16 tháng 10 năm 1978, khi vừa lên ngôi Giáo hoàng, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chọn cho mình khẩu hiệu “Tất cả của con đều thuộc trọn về Mẹ” (Totus Tuus). Suốt triều đại dài 26 năm, từ năm 1978 đến năm 2005, giữa một thế giới đầy những biến động, ngài đã ký thác sứ vụ của mình cho Đức Maria, và ngài đã được Mẹ che chở một cách đặc biệt. Đó là vào ngày 13 tháng 05 năm 1981, tại quảng trường thánh Phêrô ở Rôma, ngài đã bị một thanh niên người Thổ Nhĩ Kỳ tên là Ali Agca dùng súng máy tự động ám sát. Một viên đạn đã ghim vào ngực ngài, nhưng lạ thay, viên đạn chỉ xuyên ngang qua một bên động mạch chủ ở bụng. Ngài đã tin tưởng chắc chắn đó là phép lạ của Mẹ Maria, vì ngài hết lòng yêu mến Mẹ và luôn cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Ngài nói: “Một người nổ súng, và một người khác dẫn đường đi của viên đạn”. Để tạ ơn Mẹ Maria, ngài đã đem viên đạn gắn vào chiếc vương miện bằng vàng, và dâng lên trên đầu bức tượng Đức Mẹ ở Fatima.

 Với lòng yêu mến Đức Maria, thánh Giáo hoàng đã từng đến hành hương tại Paris, nơi Đức Mẹ hiện ra với thánh nữ Catarina Labôuré (1830). Ngài cũng đã đến cầu nguyện tại hang đá Lộ Đức, nơi Đức Mẹ hiện ra với thánh nữ Bernadet (1858). Ngài đến thăm Fatima, nơi Mẹ đã nhiều lần hiện ra với ba trẻ nhỏ là Lucia, Jacinta và Phanxicô (1917). Ngài cũng thăm đền Đức Mẹ Khóc tại Akita – Nhật Bản (1973 – 1984). Ngài từng ước muốn đến viếng linh địa La Vang, nơi Đức Mẹ đã hiện ra để che chở cho con dân đất Việt trong thời chiến tranh loạn lạc (1773).

Trong tông thư Kinh Mân Côi, ngài đã chia sẻ như sau: Nhiều vị tiền nhiệm của tôi đã cho thấy tầm quan trọng to lớn của Kinh Mân Côi. Từ thời niên thiếu, lời kinh này đã có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống thiêng liêng của tôi. Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui mừng cũng như trong những giai đoạn khó khăn. Tôi đã giao phó cho lời kinh ấy biết bao lo âu; nơi lời kinh ấy, tôi luôn tìm được sự nâng đỡ. Kinh Mân Côi là lời kinh tôi ưa thích, một lời kinh kỳ diệu. Kỳ diệu qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó. Biết bao ơn lành tôi đã lãnh nhận từ Đức Trinh Nữ Maria Mân Côi. Có thể nói, Kinh Mân Côi là một kinh nguyện bình chú về chương cuối cùng hiến chế Lumen Gentium của Công Đồng Vatican II, chương nói về sự hiện diện thân thương của Đức Thánh Mẫu Thiên Chúa trong mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh. Trên nền lời ca Ave Maria, Kính mừng Maria, những biến cố chính trong cuộc đời của Đức Giêsu Kitô diễn qua trước đôi mắt của linh hồn. Các biến cố ấy được kết lại với nhau thành những chuỗi đầy đủ về các mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng và đưa chúng ta vào sự hiệp thông sống động với Đức Giêsu qua trái tim của Thánh Mẫu Người. Đồng thời, trái tim của chúng ta cũng có thể ôm ấp trong những chục kinh mọi biến cố làm nên cuộc sống của cá nhân, gia đình, quốc gia, Hội Thánh và toàn thể nhân loại cùng những quan tâm lo lắng của riêng chúng ta cũng như của những người thân cận với chúng ta. Vì thế, Kinh Mân Côi là lời kinh giản dị đánh dấu nhịp sống của con người. (x. KMC 2) 

Lạy Mẹ Maria là mẹ của lòng thương xót, là Đấng bảo trợ Giáo hội và của từng người chúng con, xin Mẹ giúp chúng con ý thức sâu xa về những ơn lành Chúa đã ban qua sự chuyển cầu của Mẹ. Xin giúp chúng con sống trọn những điều Mẹ nhắn nhủ, biết tìm thánh ý Chúa qua từng biến cố, từng mầu nhiệm của Kinh Mân Côi. Amen.

Nt. Anh Thư
Vietnamese Radio Veritas Asia

Từ khoá:

Bài viết liên quan SỐNG ĐẠO