Dụ ngôn phú hộ và Ladarô cho thấy có một nghìn trùng xa cách giữa thiên đàng và hoả ngục “giữa chúng ta đây và các con có một vực thẳm lớn…”, mối tương quan giữa cuộc sống đời này và đời sau.
- Khoảng cách nghìn trùng
Sống ở đời này, phú hộ dư ăn dư mặc, Ladarô nghèo nàn đói lả. Người phú hộ mặc toàn lụa là gấm vóc, Ladarô rách nát tả tơi. Phú hộ nhà cao cửa rộng, Ladarô lê lết bên cổng ăn xin. Phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình, Ladarô không có một chút bánh để ăn. Người sống chốn thiên đàng dương thế, kẻ chịu cảnh hoả ngục trần gian.
Cái chết đến và tất cả đều đảo ngược. Đời sau, Ladarô được đưa lên mây trời, phú hộ bị đày xuống vực thẳm. Ladarô được hưởng phúc thiên đàng, phú hộ phải trầm luân hoả ngục. Có một khoảng cách nghìn trùng giữa hai người mà bên này muốn qua bên kia không được và bên kia muốn qua bên này cũng không thể. Ladarô hạnh phúc trong cung lòng tổ phụ Ápraham. Phú hộ chịu cực hình, nài xin với Ápraham “sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước nhỏ trên lưỡi con cho mát vì ở đây bị lửa thiêu đốt”. Khi chết, Ladarô đã tìm được những người bạn hữu : các thiên thần, Ápraham tổ phụ, những người có đức tin. Ngược lại, phú hộ chẳng có bạn bè, chẳng có trạng sư biện hộ cho hoàn cảnh của ông ta : hỏa ngục, chính là nỗi cô đơn. Nhất là ông vĩnh viễn xa lìa Thiên Chúa, vì đã sống xa cách anh em. Ðây là một cực hình khủng khiếp nhất.
Theo cha Nguyễn Tầm Thường: “Dụ ngôn không phải là bài giảng riêng của Chúa về đời sống sau cái chết. Không thể căn cứ vào một “dụ ngôn” để cắt nghĩa thần học về đời sau. Phải đặt dụ ngôn này trong hoàn cảnh trả lời các Pharisiêu về thái độ đối với tiền bạc và quyền lực vô cảm. Giàu có của cuộc sống hôm nay sẽ chấm dứt với mộ chôn. Nhưng cách sử dụng sự giàu có sẽ liên hệ tới họ trong cuộc sống đời sau. Hình ảnh người giàu nhìn thấy Ladarô và xin Ladarô nhỏ nước cho ta thấy liên hệ này rất ý nghĩa. Tại sao dưới âm phủ, người giàu trong dụ ngôn không nhìn thấy người khác, mà là thấy Ladarô? Tại sao không xin chính Ápraham nhỏ nước mà xin Ladarô? Vì nhà giàu có liên hệ với Ladarô lúc còn sống. Ông nhìn thấy Ladarô hàng ngày, sáng, trưa, chiều, tối trước nhà ông. Đó là những liên hệ trực tiếp giữa con người lúc còn sống. Những liên hệ này sẽ kéo tôi mặt giáp mặt trong cuộc sống ngày phán xét. (x.Phúc âm trong dụ ngôn, tập 3, trang 71).
Khoảng cách nơi cuộc sống trần gian sẽ được hoán đổi vị trí sau cái chết. Vậy phải chăng dụ ngôn muốn trình bày vấn nạn : hễ sung túc giàu có ở đời này thì bất hạnh cực hình ở đời sau ? Hôm nay khốn khổ đói nghèo thì mai sau được hạnh phúc sung sướng? Có phải đó là lối an ủi ru ngũ, là thuốc phiện xoa dịu những người nghèo hãy chấp nhận, hãy an phận ? Đời này cùng khốn, rách rưới thì đời sau sẽ hưởng phúc thiên đàng?. Dụ ngôn không nói rõ lý do nào ông nhà giàu phải xuống âm phủ. Phúc Âm không nói lý do nào Ladarô được ở trong lòng tổ phụ Ápraham. Chắc chắn không phải vì giàu mà phải xuống âm phủ. Không phải vì nghèo mà Ladarô được thưởng. Không thể dùng dụ ngôn này để kết án sự giàu có và ca ngợi sự nghèo khó. Phúc Âm đã chẳng nói ai có thì con được cho thêm nữa đó sao (Mt 25,29). Giàu có không phải là tội lỗi và nghèo khổ không là giấy thông hành vào Nước Trời. Trình thuật dụ ngôn rất ăn khớp với toàn bộ tác phẩm, trong đó Luca thường đề cập đến người giàu kẻ nghèo để khuyến cáo hay khích lệ tuỳ trường hợp. Dụ ngôn nằm trong chủ đề của chương 16, giáo huấn về việc sử dụng tiền bạc của cải làm sao để đạt tới ơn cứu độ. Người phú hộ bị luận phạt hoả ngục không phải vì ông ta giàu có mà vì ông đã khép cửa khép lòng, sống dửng dưng, làm ngơ trước nỗi khổ đau của người khác. Cái tội phú hộ mắc phạm là phớt lờ người nghèo, là “mackeno” (mặc kệ nó) trước sự cùng khốn của tha nhân. Phú hộ không la mắng chửi bới, không xua đuổi Ladarô ra khỏi nhà, nhưng điều đáng trách là ông ta không thèm ngó nhìn người ăn xin van lơn. Tội của người phú hộ chính là tội hững hờ. Ở cạnh bên nhau mà không thấy nhau, không biết nhau, không giúp đỡ nhau thì thật là quá vô tình, quá hờ hững. Hoàn cảnh của Ladarô quá khốn khổ, thế mà người phú hộ vẫn hững hờ đến nỗi Ladarô phải chết vì đói đang khi ông ta lại quá dư thừa, thành ra tội hững hờ của người phú hộ trở thành tội nặng làm cho ông ta đáng phạt trong hỏa ngục.
Trong bài đọc 1, Tiên tri Amos với lối nói cay độc chua chát đã tiên báo những sự trừng phạt khủng khiếp dành cho những kẻ giàu có đang hưởng thụ xa hoa mà không biết xót thương người khốn khổ. Của cải vật chất đã trở thành bức tường khép kín, người giàu có sống an toàn mãn nguyện trong không gian riêng mình. Chính họ đã tạo ra khoảng cách vực thẳm xa cách nghìn trùng. Họ không cần Thiên Chúa cũng chẳng cần biết đến tha nhân, khoảng cách đó lớn dần và kéo dài đến đời sau. Vực thẳm ngăn cách con người ở đời sau là do con người đã tạo ra ở đời này. Sau khi chết, không còn có thể thay đổi được số phận nữa. Điều quan trọng là phải thay đổi ngay từ cuộc sống tại thế.
- Người chết trở về là điều không cần thiết
Trong các dụ ngôn, đây là dụ ngôn rất khác lạ trong lối dùng ngôn ngữ. Đem một nhân vật quan trọng bậc nhất, một tổ phụ vào một dụ ngôn giả tưởng là điều chưa thấy trong các dụ ngôn. Dụ ngôn là dùng hình ảnh biểu tượng, qua đó nhắn gửi một chân lý ở đàng sau. Nhưng ở đây, nhân vật được nói đến là người có thật trong lịch sử, có thật trong tôn giáo Do thái, đó là tổ phụ Ápraham (St 17,4). Nhân vật thứ hai được nói đến là Ladarô. Ladarô cũng là nhân vật lịch sử có thật. Đặc biệt nhân vật này sống cùng thời với Chúa Giêsu. Sự kiện đặc biệt nhất là Ladarô đã chết và Chúa cho sống lại. Chỉ có Phúc Âm Gioan nói đến nhân vật lịch sử này. Luca thì đưa tên gọi Ladarô thành chuyện dụ ngôn.
Ông nhà giàu nói : ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’. Caipha có năm anh em mà bố vợ Caipha là thầy cả Thượng phẩm Annas. Ông nhà giàu trong dụ ngôn có năm anh em. Con số trùng hợp năm người anh em Thượng tế con ông Khanan giàu có ngoài đời. Bóng hình ông nhà giàu trong dụ ngôn ẩn hiện với bóng hình Caipha, là nhân vật có thật ngoài đời: “Caipha là Thượng tế năm ấy nói rằng: thà một người chết thay cho dân còn hơn toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50). Từ ngày đó họ tìm cách giết Đức Giêsu (Ga 11,53). Các Thượng tế quyết định giết cả Ladarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do thái bỏ họ và tin vào Đức Giêsu (Ga 12,10-11). Sự cứng lòng của Thượng tế, thấy Đức Kitô cho Ladarô sống lại mà không tin. Số phận của họ được loan báo bằng số phận của ông nhà giàu trong dụ ngôn sau khi chết.
“Ông Ápraham đáp: ‘Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó’. Ông nhà giàu nói : ‘Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối’. Ông Ápraham đáp : ‘Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin’”.
Câu trả lời của Ápraham là người chết có về họ cũng chẳng tin nằm trong ý nghĩa của sự kiện lịch sử có thật là chính họ thấy Ladarô sống lại. Ladarô là nhân vật có thật ngoài đời. Sự kiện Ladarô sống lại mà Pharisiêu và các tư tế không chấp nhận là lời cắt nghĩa tại sao người chết về họ cũng không nghe. Ápraham cho việc người chết về là không cần thiết. Vì trong thực tế họ đã thấy Ladarô về từ cõi chết rồi. Họ đã không tin. Tên người nghèo trong dụ ngôn là Ladarô. Trong thực tế có một Ladarô bằng xương bằng thịt đang sống, mọi người chứng kiến phép lạ Chúa cho Ladarô từ cõi chết trở về. Sự kiện này không làm cho Pharisiêu tin Đức Kitô. Trái lại, họ muốn giết Ladarô vì sợ là chứng nhân trở về từ cõi chết. Trong chủ trương giết Ladarô của Thượng tế Khanan và Caipha đưa ta vào câu trả lời của Ápraham: “Người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”; “giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó qua bên chúng ta đây cũng không được”. Trong Phúc Âm chỉ nói đến một Ladarô. Người Chúa cho sống lại từ cõi chết. Dụ ngôn này nói rõ tên nhân vật có thật là Ladarô, để khẳng định lời từ chối của Ápraham, người chết trở về là điều không cần thiết. (sđd trang 76 -77).
- Hãy sống tình liên đới với tha nhân
Dụ ngôn người nhà giàu và Ladarô mô tả một bức tranh tương phản, một khoảng cách rất gần mà lại rất xa, hai con người với hai cuộc đời, hai hoàn cảnh trái ngược nhau. Từ nhà ông nhà giàu đến chỗ người ăn mày Ladarô chỉ khoảng vài bước, cách nhau chỉ có cái cổng thôi. Khi sống, ông nhà giàu đã không chịu bước vài bước đó, để cảm thương và giúp đỡ cho người hành khất Ladarô luôn nằm chờ đợi. Hậu quả là khi chết rồi, người nhà giàu đó bị ném vào vực sâu hoả ngục, xa cách thiên đàng.Vài bước vô tâm đã đưa tới cực hình vô tận. Đời này và đời sau làm nên hai thứ khoảng cách. Khi còn sống ở trần thế, giữa hai người có một khoảng cách rất gần.Trong thế giới mai sau, khoảng cách giữa hai bên cách xa vời vợi. Hai thứ khoảng cách đó liên hệ mật thiết với nhau. Khoảng cách gần nơi trần thế làm nên nghìn trùng cách xa trong thế giới tương lai.
Ladarô không phải vì nghèo khổ mà được trọng thưởng, được hạnh phúc ngồi trong lòng tổ phụ Ápraham, nhưng vì biết chấp nhận số phận hẩm hiu và đặt niềm cậy trông phó thác nơi Thiên Chúa. Danh xưng Ladarô theo Luca có nghĩa là “Thiên Chúa là Đấng phù trợ tôi”. Người nghèo biết tin tưởng và phó thác, điều đó mới mang lại cho họ ơn phúc làm con tổ phụ Ápraham, cha những kẻ tin.
Dụ ngôn là lời cảnh báo những kẻ chỉ biết tôn thờ vật chất, hưởng thụ trần gian mà quên đi tình Chúa tình người. Dụ ngôn còn là lời kêu gọi ý thức trách nhiệm xây dựng tình liên đới với tha nhân, nhất là người nghèo.
Chúa Giêsu đã dùng tình thương để kết nối khoảng cách giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người khi Ngài làm người, một người nghèo giữa những người nghèo. Chúa Giêsu yêu thương người nghèo. Bằng thái độ và lời nói, Chúa đã nâng người cùng khổ và đem lại cho họ niềm hy vọng. Chúa ban cho họ tình yêu. Đỉnh cao nhất là Ngài cho họ chính mạng sống của mình.Ngăn cách giữa người giàu kẻ nghèo, giữa nô lệ và tự do giờ đây không còn nữa, tất cả là anh em của nhau, là con cùng một Cha trên trời. Mọi người được mời gọi sống Tin Mừng, sống liên đới với nhau và với người nghèo.
Lý tưởng Kitô giáo không phải là yêu mến sự khó nghèo mà là yêu thương người nghèo khó. Chúa Giêsu là Đấng giàu có đã trở nên nghèo khó, Ngài luôn yêu thương và sống liên đới với người nghèo. Vì vậy, người môn đi theo Chúa Giêsu chính là để trở nên giống Ngài. Tông huấn Giáo Hội Á Châu dạy rằng : Người đời dễ tin hơn tình liên đới với kẻ nghèo, nếu chính Kitô hữu biết sống giản dị theo gương Chúa Giêsu. Sự đơn sơ trong cách sống đức tin sâu xa và tình yêu không giả vờ đối với mọi người, nhất là người nghèo và bị bỏ rơi, đó là những dấu chỉ Tin mừng trong hành động (số 34). Vẫn còn quá nhiều người nghèo vật chất, nghèo tình thương, nghèo văn hoá. Người Kitô hữu được mời gọi sống quảng đại, liên đới giúp nhau thăng tiến. Hãy mở rộng lòng cho yêu thương trong cuộc sống hàng ngày.Đừng sống hững hờ, cần rèn luyện một trái tim nhạy bén biết cảm thương những cảnh đời bất hạnh, biết quảng đại chia sẻ với những người thiếu thốn.
Lạy Chúa, xin mở mắt mở, mở tai vả mở trái tim con để con thấy, con nghe, con biết sẻ chia niềm vui nỗi buồn, hạnh phúc đau khổ với hết mọi người. Amen.
+ Lm Giuse Nguyễn Hữu An