Lễ lá: xác định lại con đường theo Chúa

(DMNC) Đối với đời sống của người Công giáo, Lễ Lá là một ngày kỷ niệm sự kiện Chúa Giê-su tiến vào thành Giê-ru-sa-lem trước khi Ngài chịu khổ hình vì tội lỗi nhân loại. Hình ảnh Chúa Giê-su tiến vào thành trên lưng lừa hơn 2000 năm trước được chào đón bằng những tiếng tung hô, nhành lá cọ trong tay. Thế nhưng vừa mới tung hô xong, họ lại đả đảo đẩy Người vào cái chết trên thập giá.

Tại sao người ta lại thay lòng đổi dạ nhanh như thế?. Câu hỏi này cũng đặt lại cho đời sống đức tin của người tín hữu ngày hôm nay, cần xác định lại con đường theo Chúa, để sống đúng với ơn gọi làm người và là môn đệ Chúa Giêsu. Rằng Ngài vào thành không phải để được tôn vinh, kính trong mà muốn đem một sự bình an cho toàn thế giới, muốn mỗi người vững bước trên hành trình ơn gọi là con cái của Chúa nơi cuộc sống trần thế này.

1 1
Chúa Giê-su tiến vào thành Giê-ru-sa-lem được chào đón bằng những tiếng tung hô, nhành lá cọ trong tay

Theo như truyền thống của người Do Thái, lá cọ là một trong bốn loại thực vật tượng trưng cho niềm vui. Còn biểu tượng con lừa theo truyền thống phương Đông chính là con vật tượng trưng cho hòa bình. Tại sao Chúa không chọn ngựa? Vì so với ngựa là con vật tượng trưng cho chiến tranh. Khi một vị vua cưỡi ngựa đi chiến đấu có nghĩa là ông đang muốn chiến tranh, còn nếu vua cưỡi lừa thì tức là ông đến trong hòa bình… Theo đó, việc chúa Giêsu cưỡi lừa tới thành Giê-ru-sa-lem trở thành biểu tượng của hòa bình, không phải một vị vua ưa chiến tranh mà mang đến an bình, sự sống và vinh quang bất diệt cho toàn thế giới.

Chúa Nhật Lễ Lá diễn đạt trong tâm trí mỗi người một cuộc rước vào thành Giê-ru-sa-lem và giục người tín hữu tham dự bằng cách nhìn nhận và suy tôn Chúa là Vua và là Đấng cứu chuộc trần gian, đồng thời tự nguyện bước theo Chúa vào con đường khổ giá để được thông công với Người trong vinh quang.

Theo truyền thống thì việc tưởng nhớ Chúa Giêsu vào thành Giê-ru-sa-lem sẽ được cử hành bằng cuộc rước trọng thể. Đầu tiên, vị chủ tế sẽ làm phép lá trước, sau đó mọi người sẽ được phân phát những cành lá này. Tiếp theo, cộng đoàn cùng nhau rước kiệu diễu hành với lá cọ trên tay, điều này đại diện cho sự chào mừng Chúa Giêsu khi Ngài vào thành Giê-ru-sa-lem. Việc cử hành này Giáo hội không chỉ làm mang cách bề ngoài, nhưng muốn nhắn nhủ mỗi người trở nên những nhân chứng sống động cho Chúa ngay trong cuộc sống hằng ngày như: cầu nguyện, giữ đạo, hy sinh, làm việc bác ái, biết chia sẻ với những người còn khó khăn,…..  Qua đây, khi kiệu lá ta phải ý thức mình như người hiệp sĩ theo Chúa vào cuộc chiến đấu với tội lỗi, với tà thần, với sự chết và hỏa ngục. Thánh giá của Chúa đi trước để mở đường chho ta vào trận, cành lá ta cầm trong tay biểu dương tinh thần hy sinh, ý chí cương quyết theo Chúa, hầu đạt đến sự sống đời đời, phong phú mà Chúa ban cho.

Tại các nước Phương Tây trong ngày lễ này, người ta thường dùng lá cọ để thực hiện các nghi lễ. Tuy nhiên, ở các vùng miền khác nhau có thể không có lá cọ hoặc khó tìm được nên mọi người thường thay thế bằng những cành cây thủy tùng, cây liễu… Ở Việt Nam, đa số các nhà thờ đều sử dụng lá dừa, lá vạn tuế. Nhưng dù sử dụng lá nào đi chăng nữa, chúng ta được mời gọi trong việc rước lá để tuyên xưng niềm tin đưa chúng ta vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chuẩn bị chúng ta chiêm ngắm cái chết đau thương của Người trên đồi Canvê.

Cùng với Giáo hội trong năm thánh Hiệp hành, Giáo hội đang mời gọi người ki-tô hữu bước với đi Người trên con đường thập giá để tiến vào vinh quang. Nơi đây, chúng ta cùng nhau đi qua những chặng đường với rất nhiều tâm tình của Chúa, không muốn chỉ là những khán giả đứng ngoài nhìn Chúa Giêsu, nhưng muốn đi cùng với Người trên con đường mà Ngài đã đi qua. Được như thế, con đường hiệp hành này sẽ “giúp cho toàn thể dân Chúa cùng nhau tiến bước, lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, tham gia vào sứ mạng của Giáo hội trong sự hiệp thông mà Đức Kitô thiết lập giữa chúng ta.” Để từ đó con đường theo Chúa ngày càng thêm xác quyết hơn./.

Nguồn: conggiaoonline.com

Từ khoá:

Bài viết liên quan PHỤNG VỤ