Kinh Mân Côi – Lời Kinh của sứ vụ truyền giáo

KINH MAN COI LOI KINH TRUYEN GIAO

KINH MÂN CÔI – LỜI KINH CỦA SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO

Sau ba mươi năm được nuôi dưỡng và lớn lên dưới mái nhà Nadarét, Đức Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Suốt hành trình rao giảng đầy gian nan vất vả, Mẹ Maria vẫn luôn dõi theo từng bước chân của Con Mẹ.

Trong kinh Mân Côi có năm mầu nhiệm Sáng, đây là những biến cố quan trọng trong cuộc đời của Đức Giêsu đã được thánh sử ghi lại. Đức Giêsu là “ánh sáng thế gian”, Người đã đến chịu phép rửa tại sông Giođan để gánh tội cho muôn dân, Người tỏ mình ra trong tiệc cưới tại Cana. Người kêu gọi đoàn dân sám hối để đón nhận Nước Thiên Chúa đang đến. Sau đó Người đã thực hiện cuộc biến hình và cuối cùng là thiết lập Bí tích Thánh Thể.

Trình thuật Tin Mừng thánh Gioan ghi lại rằng: Hôm ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ được mời dự tiệc cưới tại Cana miền Galilê (x. Ga 2,1-2), bữa tiệc cũng có sự hiện diện của Mẹ Maria. Nhờ sự gợi hứng của Mẹ mà Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ hóa nước thành rượu ngon làm vui say thực khách. Khi tường thuật lại phép lạ này, thánh Gioan gọi đây là “dấu chỉ đầu tiên” Đức Giêsu “bày tỏ vinh quang của Người” cho “các môn đệ tin theo”. Phép lạ cho thấy Người là Đấng khai mở một thời kỳ mới đầy hoan lạc. Người chính là tân lang đã nói đến trong tiệc cưới thời Mêssia, là rượu mới được chứa đựng trong bầu da mới là tâm hồn các tín hữu.

Chứng kiến phép lạ này, Mẹ Maria càng xác tín hơn sứ mạng cao cả và quan trọng của Đức Giêsu. Có thể nói, Mẹ Maria là vị tông đồ thứ mười ba luôn theo sát Đức Giêsu và không hề bỏ qua lời dạy nào của Người. Cuộc đời Mẹ cũng chính là lời Tin Mừng được loan báo cho mọi người. Nơi nào có dấu chân Đức Giêsu đi qua, nơi ấy cũng có bóng dáng của Mẹ. 

Mỗi một mầu nhiệm Sáng là một mặc khải về vương quốc Thiên Chúa đang hiện diện nơi chính con người Đức Giêsu. Trong các mầu nhiệm này, trừ phép lạ ở Cana, Đức Maria chỉ hiện diện ở hậu trường. Các sách Tin Mừng chỉ nhắc đến sự hiện diện của Mẹ ít lần trong thời gian Đức Giêsu thi hành sứ vụ công khai. Cũng không thấy nói Mẹ có hiện diện trong bữa Tiệc Ly và khi thiết lập Thánh Thể hay không. Tuy nhiên, vai trò của Đức Mẹ đảm nhận ở Cana cách nào đó tựa  như mặc khải của Chúa Cha khi Đức Giêsu chịu phép rửa trong sông Giođan. Mẹ đã trở thành vị cố vấn đầy khôn ngoan khi nói: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2,5). Lời ấy là một dẫn nhập thích hợp để đi vào những lời nói và dấu chỉ của Đức Kitô khi Người thi hành sứ vụ công khai. (x. KMC 21)

Khi nói về hiệu quả của kinh Mân Côi, một linh mục đã chia sẻ: “Mỗi lần đọc kinh Kính Mừng, chúng ta đang thực hiện một bài giảng về tình yêu Thiên Chúa. Bài giảng tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng chân lý cứu độ. Bài giảng này không phải là lời của người phàm, mà là Lời của chính Thiên Chúa, Lời vang vọng trong lời của chúng ta…” (Timothy Radcliffe, OP). Sứ vụ truyền giáo thôi thúc chúng ta phải lên đường mỗi ngày, phải loan báo cho nhân loại thấy dung nhan thương xót của Thiên Chúa qua con người Đức Giêsu. Cuộc đời của chúng ta phải là cuộc biến hình mỗi ngày, phải hoán cải, thay đổi từ một thái độ sống hẹp hòi ích kỷ sang thái độ quảng đại thứ tha. Thay đổi để có một con tim trung tín với sự thật, với Chúa dù chúng ta luôn bị cám dỗ rẽ sang một lối khác nhanh chóng và dễ dãi hơn.

Lạy Mẹ Maria, qua lời kinh Mân Côi, xin cho chúng con cũng biết noi gương Mẹ nhiệt thành trong sứ vụ loan báo Lời Thương Xót của Chúa cho tất cả mọi người. Ước gì cuộc đời của mỗi người chúng con là một lời kinh mang trọn niềm vui hân hoan cho những ai sống trong ơn nghĩa Chúa, là ánh sáng hy vọng cho người đau khổ tội lỗi. Cùng với Mẹ, chúng con chúc tụng và ca khen tình yêu Thiên Chúa. Amen.

Nt. Anh Thư
Vietnamese Radio Veritas Asia

Từ khoá:

Bài viết liên quan GIÁO DỤC