Đức Cha của “ Lòng Chúa Thương Xót “

ĐỨC CHA CỦA “ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT “
( Bài viết Phêrô QUỐC LINH )
   Khi biết Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo được chấp thuận nghỉ hưu theo Giáo luật, thôi làm giám mục chánh tòa Xuân Lộc, hẳn nhiều người sẽ có cùng cảm giác tiếc nuối như con! Là bởi thấy ngài vẫn còn khỏe lắm, vẫn thấy ngài xông pha trên từng cây số, đôi chân vẫn miệt mài đặt đến những vùng đất mới.
   Có khi người ta thấy ngài đến thăm và nhắn nhủ với bà con tiểu thương ở chợ những cư xử dịu dàng với khách hàng và cả cách thực thi sứ mạng yêu thương. Có lúc lại thấy ngài ngồi xe máy qua đoạn đường gập ghềnh để tìm đến con chiên một giáo xứ vùng sâu vùng xa mà bộ y phục đen như muốn đổi màu vì bụi mù đất đỏ. Lần khác lại thấy ngài đến chúc mừng quý sư thầy ở một ngôi chùa với những cái bắt tay của tình hiệp thông, đại kết.
Nếu phải làm thống kê về hành trình đời giám mục của ngài, hẳn chúng ta sẽ có cả quyển nhật ký với số trang lên đến hàng trăm. Và lẽ dĩ nhiên, ngôn từ của con cũng thật sự giới hạn để có thể khắc họa chân dung một ai đó, huống chi ấy lại là vị giám mục mà nhiều người vẫn quen gọi là “Đức cha của Lòng Chúa thương xót”!
   Nên bằng sự giới hạn của mình, con tạm vẽ nên chân dung của vị cha chung giáo phận mà bản thân con – một người con gốc Xuân Lộc nhưng nay đang sinh sống ở một giáo phận khác – lặng lẽ quan sát từ nhiều nguồn, tìm đọc từ nhiều thông tin và trong vốn từ ngữ ít ỏi của mình.
Con nhớ mãi bữa cơm gia đình khi ngồi cùng cha con, lúc mà Xuân Lộc cần phải có vị giám mục mới theo luật định. Con có nói đại ý là Đức ông Đinh Đức Đạo rất giỏi nhưng sẽ thật khó để trở thành giám mục với “gốc gác” mấy mươi năm làm việc ở trời Tây như thế, trong bối cảnh xã hội và tôn giáo vẫn có những khoảng cách vô hình lúc ấy, và cả hiện nay!
   Nhưng ý Chúa thật diệu kỳ! Chỉ là do Chúa muốn. Xuân Lộc đã có vị giám mục “nhập tịch” đầy bất ngờ, nhiều bí ẩn và cả trong sự ngỡ ngàng của giáo dân, con tin là vậy! Để rồi 8 năm giám mục, tính từ ngày ngài được chọn làm Đức cha phụ tá cho đến khi chấp chính giáo phận trôi nhanh như một cơn gió thoảng. Có lẽ ấy không chỉ cảm nghiệm của riêng con!
….
   Còn nhớ chuyến đi Ad Limina của Hội đồng giám mục Việt Nam năm 2018 mà nếu ai theo dõi hành trình này sẽ thấy không ai khác mà chính là Đức cha Giuse của chúng ta kiêm luôn vai trò thông dịch viên trong các cuộc gặp, tiếp kiến chính thức giữa các giám mục Việt Nam với Đức thánh cha Phanxico. Chẳng có gì lạ khi thấy Đức cha Giuse trong vai trò này khi biết rằng ngài đã học và làm việc tại thủ đô Công giáo Roma mấy chục năm liền. Đó cũng chính là cơ sở vững chắc để khi thành lập Học viện Công giáo Việt Nam, ngài được các Đức cha trong Hội đồng giám mục tin tưởng gửi gắm vai trò viện trưởng đầu tiên.
   Ngài biết nhiều thứ tiếng, nhưng nói như lời cha Đaminh Ngô Công Sứ (quản hạt Xuân Lộc), ngài đã không dùng bất cứ thứ tiếng nào hay sự tài trí, thông tuệ của ngài để trò chuyện, nhắn nhủ, chỉ dạy với đàn chiên Xuân Lộc ngoài thứ tiếng duy nhất – tiếng của Lòng Chúa thương xót! Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngài muốn từng con chiên của giáo phận này hãy sống, thực hành để từng gia đình, từng xóm đạo, mỗi xứ đạo và cả giáo phận Xuân Lộc trở thành Thánh địa của Lòng Chúa thương xót.
   Nhưng, ngài cũng ưu tư không ít khi chia sẻ trong lời chủ chăn cuối cùng trên cương vị giám mục chính tòa của ngài vào tháng 2 vừa qua, rằng giữa “biết” và “làm” là cả một đại dương như câu tục ngữ Ý mà ngài dẫn lại. Thực hành theo lẽ đời đã không dễ! “Thực hành” Lòng Chúa thương xót lại càng không đơn giản với mỗi chúng ta.
   Nên sẽ không có gì lạ khi ngày thứ năm tuần thánh vừa qua, ngài chọn đến dâng lễ tiệc ly tại Mái ấm khuyết tật Phan Sinh – một nơi chăm sóc người già, trẻ nhỏ tàn tật. Con tin rằng bất kỳ ai cũng sẽ không khỏi xúc động mạnh nếu một lần thấy hình ảnh Đức cha Giuse gần như nằm rạp xuống thăm hỏi mấy đứa trẻ tàn tật nơi đây, hay quỳ gối rửa chân cho những người già ngồi xe lăn!
   Ấy là lời thực hành “lòng thương xót” sống động nhất không cần đến ngôn từ diễn tả nữa, chỉ cần nhìn và cảm thôi, là đủ!
“Này là mình Thầy…”, khẩu hiệu đời giám mục của ngài đã nói thay tất cả. Chặng đường giám mục sẽ không chỉ vỏn vẹn 8 năm đã qua. Con tin dù “được”… nghỉ hưu, Đức cha Giuse sẽ vẫn tiếp tục “hiến tế” đời mình trong âm thầm, cầu nguyện và thực hành “lòng thương xót” như chính ngài đã kịp gầy dựng để tạo thành “khu rừng Lòng Chúa thương xót” ngày một xanh tốt trên mảnh đất “đầy Lộc của mùa Xuân” này.
Ước mong “Xuân Lộc trở thành “Thánh địa lòng thương xót” để mọi người đều được đón nhận và sống an lành như cá bơi lội tung tăng trong dòng nước mát, như bầy chim bay lượn và ca hát líu lo trên bầu trời xanh” mà ngài bày tỏ trong lời chủ chăn cuối cùng sẽ còn tiếp tục được Đức cha Gioan tiếp nối.
Thiên chức Giám mục là chuỗi hồng ân mà Đức cha Giuse đã được Chúa tuyển chọn từ ngày còn trong lòng mẹ. Trong tâm tình con thảo, chúng ta hãy cùng tạ ơn với Ngài về chuỗi hành trình ấy trong âm thầm thinh lặng và nguyện cầu như cách ngài chọn cho thánh lễ tạ ơn chuỗi hồng ân đời mình không khoa trương, rình rang lễ hội.
   Bài học ấy hẳn cũng là bài học cho mỗi chúng ta giữa cuộc sống vốn trọng hình thức và lễ nghi bề ngoài hiện nay. Vì “Lòng Chúa thương xót” thì chẳng kèn trống, không hội hè, cũng không cần khoa trương nếu mỗi chúng ta thật sự muốn sống, trải nghiệm “lòng thương xót” và thực hành “xót thương” tha nhân trong đời sống mỗi ngày, bằng cái tâm của mình khi đối diện trước Thiên Chúa chứ không phải để thể hiện với người đời!
# Phêrô QUỐC LINH
 Trang 01   Trang 02  Trang 03    Trang 04  Trang 05     Trang 08  Trang 09  Trang 10  Trang 12   Trang 13  Trang 14  Trang 15
Từ khoá:

Bài viết liên quan BƯỚC CHÂN NGƯỜI MỤC TỬ