Có được phép đốt nhang, vái lạy trước thi hài người quá cố không?

(ĐMNC) Nhiều người công giáo khi đến thăm, viếng linh cửu người thân, đồng nghiệp, bạn hữu, … thường băn khoăn: Cử chỉ đốt hương, vái lạy trước di ảnh, thi hài người quá cố theo phong tục địa phương có trái với đức tin Công Giáo không? Có được phép của Giáo Hội không?

1 MINH HOA 1

(Hình lấy từ internet, chỉ để minh họa)

Các văn bản của Giáo Hội

1. Sau khi được Tòa Thánh, qua Bộ Truyền Giáo chấp thuận (ngày 20/4/1964) cho phép áp dụng huấn thị Plane compertum est [1] về việc tôn kính tổ tiên, ngày 14/6/1965, tại Đà Lạt, Hội Đồng Giám mục Việt Nam ra Thông báo, trong đó nêu rõ tinh thần của Giáo Hội Công Giáo đối với nền văn hóa và truyền thống các dân tộc; và thể thức áp dụng huấn thị Plane compertum est [2].

Ở điểm 1, mục II của Thông báo này ghi (trích nguyên văn): “Nhiều hành vi cử chỉ xưa kia tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình, tập quán đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo Hội Công Giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho nó được diễn tả tả bằng những cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ và tùy theo trường hợp.

Vì thế, những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (như treo ảnh, hình, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ, giỗ …) thì được thi hành và tham dự cách chủ động.”

2. Ngày 14/11/1974, sau khi chủ tọa khóa hội thảo VII về Truyền Bá Phúc Âm toàn quốc, tại Nha Trang, Hội Đồng Giám mục Miền Nam Việt Nam, ra Quyết nghị về Lễ nghi tôn kính ông bà tổ tiên.” [3].

 Điểm 5 của Quyết nghi này ghi rõ, “Trong tang lễ được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố.”

2 MINH HOA

(Hình lấy từ internet, chỉ để minh họa

Điều được phép

Căn cứ vào 2 văn bản nói trên, người công giáo được phép thực hiện những cử chỉ, thái độ và tham dự cách chủ động các nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ.

Cách riêng, trong tang lễ: cử chỉ đốt hương, vái lạy trước di ảnh, thi hài người quá cố là để tỏ lòng tôn kính người đã khuất, Giáo Hội không ngăn cấm mà còn khuyến khích nó được diễn tả cách xứng hợp.

Nhưng, Giáo Hội không thể chấp nhận cho người giáo hữu có những hành vi cử chỉ, hoặc tự nó, hoặc do hoàn cảnh có tính cách tôn giáo trái với giáo lý (như lễ nghi biểu lộ lòng phục tùng và sự lệ thuộc của mình đối với một thụ tạo nào đó như là đối với Thiên Chúa), hay những việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng mã), … [4].

Tôma Hoàng Kim Khánh

Chú thích:

[1]. Xem “Huấn thị Plane Compertum Est”, Bộ Truyền giáo, Hiêp Thông, HĐGMVN, số 110, năm 2019, tr. 95-97.

[2].  Xem “Thông báo của Hội Đồng Giám mục Việt Nam về Việc tôn kính tổ tiên”, Hiêp Thông, HĐGMVN, số 110, năm 2019, tr. 98-101.

[3]. Xem “Quyết nghị của HĐGMVN về lễ nghi tôn kính ông bà tổ tiên”, Hiêp Thông, HĐGMVN, số 110, năm 2019, tr. 102-103.

[4]. Thông báo của Hội Đồng Giám mục Việt Nam về Việc tôn kính tổ tiên, Đà Lạt, ngày 14/6/1965, Mục II, số 2.

Nguồn: conggiaoonline.com

Từ khoá:

Bài viết liên quan PHỤNG VỤ