Lời Chúa hôm nay là phần hai Bài giảng khai mạc đã được đọc từ tuần trước.Phần hai của Bài giảng khai mạc tiếp tục nói về lối sống có phúc.
Nếu trong phần đầu, Chúa Giêsu khẳng định cuộc sống của những người nghèo khổ, chịu đói khát và khóc lóc, bị khai trừ, xua đuổi và sỉ vả là có phúc, thì giáo huấn trong phần sau đề cập đến cuộc sống bác ái sẽ đạt đến tột đỉnh khi biết yêu thương kẻ thù.
Sống bác ái là điều kiện để được vào Nước của Thiên Chúa. Còn yêu thương kẻ thù, biểu hiện độc đáo của đức bác ái, lại là gương mặt phản chiếu trung thực và trọn vẹn về Thiên Chúa, Đấng nhân từ và giàu lòng thương xót.
Chúa Giêsu đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về cách hành xử đối với kẻ thù:
- Làm ơn cho kẻ ghét anh em.
- Chúc phúc cho người nguyền rủa anh em.
- Cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.
- Ai vả má nầy thì đưa cả má kia.
- Ai lột áo ngoài thì cho cả áo trong.
- Ai lấy gì thì đừng đòi lại…
Chúa Giêsu phân tích những lý do sâu xa của cách hành xử mang giá trị Tin Mừng:
- Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ.
- Nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế.
- Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.
Như vậy Chúa Giêsu đã mô tả những nét tiêu biểu nhất của gương mặt những công dân Nước Thiên Chúa. Một gương mặt hoàn toàn đối lập với những nét trần thế cố cựu khi đứng trước kẻ thù. Đối với kẻ thù, con người trần thế chỉ có một chọn lựa duy nhất là ăn miếng trả miếng, mắt đền mắt, răng đền răng.
Trả thù đối thủ, phản ứng đối phương, tiêu diệt đối lập, vẫn được đề cao là giải pháp duy nhất và tối ưu.
Chúa Giêsu trình bày một con đường mới và chính Người sẽ đi bước tiên phong.
Quả vậy, trên Thập giá, chịu đựng những đau đớn tột cùng do những người chống đối gây ra, Chúa Giêsu đã nài xin Chúa Cha tha thứ những kẻ bức hại mình, nhờ đó Người đã làm ngời lên gương mặt của Thiên Chúa là Đấng nhân hậu với cả phường vô ơn và quân độc ác.
Bài giảng khai mạc đã làm kinh ngạc thế giới những người bất hạnh sống trong cảnh nghèo khổ, đói khát và bị đoạ đày.
Khi đến gặp Chúa Giêsu, những con người bị cuộc đời và số phận đẩy xuống đáy vực của khổ ải, có lẽ đang mong được nghe những lời hứa hẹn về sự công bằng sòng phẳng hoặc được phân phát bản hiệu triệu đấu tranh, làm cho ra lẽ mọi căn nguyên oán cừu, thù hận. nhưng rốt cuộc, dân chúng khổ đau này đã được mời gọi hướng lên những giá trị của một thế giới mới, thế giới của tình yêu, lòng khoan dung và tha thứ; bởi vì “Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”. Đong bằng đấu trả thù, Chúa sẽ đong lại bằng đấu trả thù. Dùng đấu tha thứ, Chúa sẽ dùng chiếc đấu tha thứ đong lại cho con người.
Bài giảng khai mạc sứ vụ của Chúa Giêsu đã đánh dấu thời điểm khai mạc chương trình kiến tạo một thế giới mới cho nhân loại. (Khổng Thành Ngọc).
Chúa Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan.
Khi dạy “Hãy yêu kẻ thù”, Chúa Giêsu không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm nhưng là để nêu cao tinh thần khoan dung hiền từ quảng đại tha thứ.
“Hãy yêu kẻ thù” là giáo huấn độc đáo nhất của Chúa Giêsu. Chính Người đã sống yêu thương, luôn tỏ tình yêu thương những kẻ thù nghịch với mình, mặc dù họ ghen ghét vô cớ, họ luôn tìm dịp tố cáo xuyên tạc lời Người giảng dạy. Chúa Giêsu dạy: lòng yêu thương bao la ấy là con cái phải noi gương Thiên Chúa là Cha ngự trên trời “Người làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như người bất lương…”.
“Yêu thương kẻ thù” là một nghĩa cử anh hùng, một nỗ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, vượt trên phản ứng thường tình của con người.
“Yêu thương kẻ thù” là bước vào thế giới siêu nhiên của con cái Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời.
“Hãy yêu kẻ thù”, đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Chúa Giêsu. Khó nhưng không phải là không có thể. Chính Chúa đã làm gương khi xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ, đóng đinh mình trên thập giá. Chính hành vi cao cả này đã thể hiện trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Đó cũng là nét cao quý nhất trong dung mạo Đấng Cứu Thế. Người đến để yêu thương và cứu chuộc con người. Người đến để tha thứ và đem lại cho con người cơ may hầu sám hối và canh tân.
“Yêu thương kẻ thù” là điều không dễ chút nào xét trên bình diện con người tự nhiên. Tha thứ cho những kẻ làm hại hay xúc phạm đến mình đã là điều khó rồi, huống chi là yêu thương, làm ơn và cầu nguyện cho họ nữa. Khi đã ghét nhau, chỉ nhìn thấy mặt, nghe giọng nói đã thấy khó chịu rồi, nói gì đến yêu thương, cầu nguyện và làm ơn cho nhau! Quả thật, đây là một việc vô cùng khó khăn, nhưng chúng ta có thể thực hiện được nếu có ơn Chúa trợ giúp. Chính thánh Phaolô đã quả quyết điều này: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”.
Trong cuộc sống, người ta va chạm nhau rất nhiều qua lời nói vô tình, cử chỉ vô ý, một câu truyện bịa đặt thêm nếm cũng có thể là nguyên nhân của chuyện thù ghét oán hờn. Hãy cố gắng xây dựng hòa bình bằng sự chân thật và tình yêu thương tha thứ.Thánh Phaolô khuyên: “Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26). Ông Môisen dạy: Đừng giữ lòng thù ghét anh em, đừng tìm cách báo oán và cũng đừng để lòng những lời nhiếc mắng của kẻ khác (x.Lv 19,1-2). Còn thánh Phaolô đòi buộc chúng ta không được khinh rẻ người khác (x.1Cr 3,16-23).
Tình yêu là vũ khí mạnh nhất để đẩy lui tội lỗi nơi con người, làm thay đổi một con người. Chỉ có ánh sáng mới xóa tan được bóng tối. Chỉ có tình thương mới xóa bỏ hận thù ghen ghét. Tình yêu có phép mầu biến kẻ thù thành bạn hữu. Tình yêu có sức mạnh sáng tạo và cứu độ. Đối với người Kitô hữu, lý do căn bản để yêu thương kẻ thù chính là Lời Chúa: “Anh em hãy yêu kẻ thù…Như vậy phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao” (Lc 6,35).
Suy niệm Tin Mừng hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nói : yêu thương kẻ thù tạo nên một cuộc cách mạng của lòng thương xót. Nhờ tình yêu của Chúa Giêsu, nhờ Thần Khí của Người và với Người, chúng ta có thể yêu thương những người không yêu thương chúng ta, cũng như những người làm hại chúng ta.
Nhưng làm thế nào có thể vượt qua bản năng của con người và luật trả thù của thế gian? Câu trả lời của Chúa Giêsu là: “Hãy nhân từ, vì Cha của anh em là Đấng nhân từ“. Bất cứ ai lắng nghe Chúa Giêsu, nỗ lực bước theo Người dù phải trả giá, thì trở nên con Thiên Chúa và bắt đầu nên giống Cha trên trời. Chúng ta có thể nói và làm những điều mà mình chưa từng nghĩ tới, chúng ta có thể trao ban niềm vui và bình an trong những điều mà chúng ta nghĩ rằng mình sẽ xấu hổ. Chúng ta không cần sống bạo lực nữa, dù là bằng lời nói hay hành động. Chúng ta nhận ra mình có khả năng sống ân cần, dịu dàng và tốt lành. Chúng ta nhận ra rằng tất cả những điều ấy không đến từ chính mình mà từ chính Người. Và vì thế, chúng ta không lấy làm tự hào về điều đó, nhưng chúng ta sống tâm tình biết ơn.Không có gì lớn lao và sinh nhiều hoa trái hơn tình yêu: tình yêu tôn trọng, trao trả tất cả phẩm giá của con người, trong khi sự thù hận và oán ghét lại xem nhẹ và coi thường nó, làm mất đi vẻ đẹp của thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Người.(x. Kinh Truyền Tin sáng 24.02.2019).
Lạy Chúa Giêsu, khi bị treo trên Thập giá, Chúa đã nêu gương tha thứ. Xin thương cũng cố tình thương của Chúa trong trái tim con, để mỗi ngày con được tiến thêm và kiên trì đi trên con đường yêu thương của Chúa cho đến cùng. Xin thánh hóa tình yêu trong con, cho con biết yêu mến mọi người. Amen.
+ Lm Giuse Nguyễn Hữu An