(DMNC) Lý luận, phê bình văn chương của Bùi Công Thuấn. NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2019, 284 trang
ĐỖ THỊ THU HUYỀN
TS.- Viện Văn học.
Bài in trên tạp chí Nghiên Cứu Văn học (Viện Văn học) số tháng 7/ 2020, chuyên san về “Văn hóa, Văn hoc Công giáo-Diện mạo và đặc sắc”
Với quan niệm nhà phê bình và nhà văn là tri âm tri kỷ, Bùi Công Thuấn với công trình Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn dường như khám phá ra được đặc trưng trong những tác phẩm của Song Nguyễn[1]. Cấu trúc cuốn sách gồm ba phần: “Giới thiệu tác phẩm của Song Nguyễn”, “Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn”, “Cảm hứng từ Đất mới” đem đến cái nhìn vừa mang tính khái quát vừa có những phân tích sâu về thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn. Tác giả Bùi Công Thuấn nhận định rằng, xét trên dòng chảy lịch sử văn chương Công giáo, Song Nguyễn (Giám mục Đa Minh Nguyễn Chu Trinh) là người tiếp tục khơi nguồn mạnh mẽ về văn học nghệ thuật của giáo hội và “rồi đây các nhà nghiên cứu văn học Công giáo sẽ tìm thấy nhiều vấn đề lý luận văn chương rất đáng quan tâm từ những tác phẩm của Song Nguyễn” [3, tr.8].
Phần 1- Giới thiệu tác phẩm của Song Nguyễn, tương ứng với 17 tác phẩm là 17 bài viết ngắn, súc tích và đi vào giới thiệu trực diện vấn đề, Bùi Công Thuấn nêu tư tưởng bao trùm tác phẩm, chỉ ra nghệ thuật biểu hiện trong cốt truyện, xây dựng nhân vật, tạo tình huống… 17 tác phẩm được giới thiệu: Một đời dâng hiến, Đồng hành, Đất mới I, II, III, Định hướng, Chỉnh hướng, Còn một niềm tin, Chuyến xe về trời, Người cha hiền, Mẹ yêu của con, Suối nguồn, Đồng cỏ xanh, Vì sao sáng, Tiếng kêu, Đường lên Núi Cúi chủ yếu như những điểm sách để độc giả có thể tiếp cận tác phẩm của Song Nguyễn, với văn phong giản dị, đặc biệt nhiều liên hệ, bày tỏ cảm xúc cá nhân trong bình luận: “Nhìn vào số lượng tác phẩm trên, hẳn chúng ta sẽ thấy ngạc nhiên tự hỏi, Đức cha bận bao nhiêu công việc mục vụ, người lấy thời gian đâu để viết. Tuổi tác đã cao, sao Đức cha có thể kham nổi công việc viết văn nặng nhọc ấy. Nhưng điều quan trọng là, Đức cha tích lũy vốn sống như thế nào để có thể ghi lại được bao nhiêu cảnh đời, chia sẻ được với bao nhiêu là số phận giáo dân” [3, tr.7]. Ở Đồng hành, Song Nguyễn đã viết những trang suy nghiệm sâu sắc về cuộc sống, về đời tu, về ý nghĩa cuộc sống, giá trị làm người, hòa quyện giữa những hoàn cảnh, những kiếp nạn, những niềm vui nỗi buồn với những khám phá từ Kinh Thánh; Ngài Linh mục Nguyễn Phương Toàn dấn thân đi kinh tế mới sau khi nếm trải đủ mùi tục lụy (Đất mới I), ở tập II là dấn thân vì đoàn chiên, con đường của Linh mục Nguyễn Phương Toàn là sự thức nhận “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”…
Dành những trang viết xúc động về mẹ, về cha, Song Nguyễn đưa đến cái nhìn nhân văn và thông điệp dù không mới nhưng chưa bao giờ là cũ. Những người mẹ bất hạnh đều được ơn Chúa, đều vượt qua những nỗi khổ nhục với tâm hồn bao dung và sau cùng bằng con mắt đức tin họ đã tìm thấy hạnh phúc Chúa ban. Ông còn kể rất hay về những người cha trong cõi đời rất thực này. Mỗi truyện là một người cha của đời thực được khám phá và chiêm nghiệm qua con mắt và trái tim người con: “Hãy sống can trường trong trách nhiệm của mình, hãy làm mẫu gương tốt đẹp cho con, hãy chăm lo cho những mầm xanh tài năng của xã hội thành cánh hoa yêu của Chúa” [3, tr.71].
Phần 2 – Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn với 7 vấn đề được phân tích kỹ lưỡng. Tác giả bàn sâu về tác phẩm văn chương của Song Nguyễn đặt trong bối cảnh văn chương Công giáo Việt Nam, tư tưởng nhân văn trong Đất mới, và văn hóa Công giáo trong lòng dân tộc. Bên cạnh việc xây dựng những nhân vật linh mục, nữ tu, giáo dân “sống đức tin giữa đời thường”, hành xử theo ánh sáng tin mừng…; những tác phẩm của Song Nguyễn còn đặt ra nhiều vấn đề đối với những người cầm bút Công giáo, chẳng hạn nhà văn Công giáo chọn bút pháp nào, đối tượng của văn chương Công giáo là gì, viết về hiện thực cuộc sống dưới góc nhìn nào và mục đích cầm bút của nhà văn Công giáo là gì… Và mục đích cao nhất của nhà văn là “viết lại những mảnh đời, số phận, trải nghiệm, tác giả có ý rút ra cho đời mục vụ của mình những bài học cuộc sống; hay nói khác đi tác phẩm là những bài suy niệm sống qua các nhân vật. Và nếu có thể, chia sẻ với bạn bè tất cả những kinh nghiệm quý báu này. Mục đích chỉ đơn giản như vậy” [3, tr.112].
Giá trị hiện thực thấm đẫm tinh thần nhân văn mà tác phẩm của Song Nguyễn luôn được tác giả tái khẳng định trong 7 bài viết của phần 2. Và rằng, mai sau muốn hiểu xem người Công giáo “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” như thế nào, người đọc có thể tiếp cận với từng con người, từng sự việc một cách cụ thể trong Đất mới, Một đời dâng hiến, Định hướng, Đồng hành… Trong đó, tác phẩm được tập trung phân tích nhiều là Đất mới I, II, III. Song Nguyễn đã xây dựng được hình tượng nhân vật người giáo dân trong Đất mới, vừa có những phẩm chất hiện thực vừa vươn tới những vẻ đẹp của đoàn chiên “như lòng Chúa mong muốn”. Người giáo dân trong Đất mới, đặc biệt là ban hành giáo đã góp mặt cùng với cha sở, linh mục Nguyễn Phương Toàn làm nên một miền đất mới, “đó là vùng đất của đồng cỏ xanh và suối ngọt Đức Ái, vùng đất của nước trời ngay tại trần gian khi tất cả cùng hướng về người nghèo khổ, làm hết sức mình để nâng cao đời sống và phẩm giá của họ” [3, tr.176]; “Đất mới được viết trong ánh sáng của tư tưởng nhân văn công giáo nên từ nội dung câu chuyện đến nhân vật, chi tiết nghệ thuật đến bút pháp đều ánh lên vẻ đẹp chân thực có thể chạm vào được tâm thức sâu xa của người đọc” [3, tr.146]. Bởi thế có thể thấy “tôn giáo đã tạo nên hệ thống những chuẩn mực giá trị đạo đức. Những chuẩn mực ấy không chỉ duy trì trong quá trình thực hiện các nghi thức tôn giáo mà còn điều chỉnh cả hành vi của con người trong đời sống thường nhật khi ứng xử với con người trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Qua những điều cấm kị, răn dạy đã điều chỉnh hành vi của mỗi tín đồ trong đời sống cộng đồng” [2, tr.22].
Phần 3 là những cảm hứng từ Đất mới gồm 3 kịch bản và 1 ca khúc. Không phải ngẫu nhiên mà phần cuối cùng của cuốn sách dù dung lượng không lớn nhưng lại cho thấy sức ảnh hưởng từ sáng tác của Song Nguyễn đối với người viết. Tác phẩm được tập trung tìm hiểu nhiều nhất, công phu nhất là 3 tập Đất mới, bởi theo Bùi Công Thuấn nhận định, “Đất mới là bài ca yêu thương, bài ca ca ngợi con người. Ánh sáng tư tưởng nhân văn Công giáo đem đến một niềm tin thực sự cho người đọc, niềm tin vào con người chí thiện, vào sức mạnh của con người có thể làm nên Nước trời ngay trong cõi tại thế này, và hơn hết niềm tin vào người Mục tử “hiền lành và khiêm nhường” hết lòng vì đoàn chiên” [3, tr.143]. Với bộ 3 tập Đất mới, Bùi Công Thuấn cho rằng lần đầu tiên văn chương Công giáo Việt Nam có truyện dài mà dung lượng hiện thực được miêu tả có tầm vóc sử thi.
Thâm nhập sâu vào tác phẩm cũng như hoàn cảnh sáng tác của Song Nguyễn, Bùi Công Thuấn đưa ra những kiến giải tỉ mỉ, sâu sắc về thế giới nghệ thuật Song Nguyễn – hiện thực ở một giáo xứ Công giáo vùng sâu vùng xa những ngày đầu xây dựng kinh tế mới khi đất nước còn vô vàn khó khăn. Nhưng chính ở đó, những nhân vật như Linh mục Phương Toàn (Đất mới) – người đã dấn thân cùng đoàn chiên, khai mở miền đất mới; hay những con người khi bị rơi vào nghịch cảnh, thậm chí tuyệt vọng rồi cuối cùng đều tìm thấy ánh sáng phục sinh nơi Chúa. Bùi Công Thuấn chỉ ra xác đáng rằng, tất cả các tác phẩm của Song Nguyễn, đều trực tiếp hay gián tiếp, nhìn thấy ánh sáng cứu độ của Chúa Giêsu trong mỗi con người; và mỗi câu chuyện đều kết thúc “có hậu” khi các nhân vật đều được hồng ân của Chúa.
Nguyễn Đức Lữ xác định: “Bản tính của người Việt Nam là cởi mở, bao dung chứ không bị hẹp hòi, kỳ thị, khép kín. Dù là tín ngưỡng nào, tôn giáo gì, từ đâu đến, thì cộng đồng người ở đây cũng sẵn sàng chấp nhận – miễn là không vi phạm đến lợi ích quốc gia và đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc. Khổng giáo và Đạo giáo từ Trung Hoa lan xuống, Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang nước ta từ rất sớm, vẫn song song tồn tại cùng nhau một cách hòa bình cùng với tín ngưỡng bản địa mà không xảy ra những cuộc chiến tranh tôn giáo nào. Kể cả về sau một số tôn giáo phương Tây nhập vào Việt Nam, tuy có xa lạ với truyền thống văn hóa dân tộc, nhưng vẫn được chấp nhận” [2, tr.79]. Ngay từ lời đầu sách, Bùi Công Thuấn đã khẳng định vị trí nhất định của văn chương Song Nguyễn: “Theo dòng chảy của văn chương Việt Nam, tác phẩm của Song Nguyễn đã có những đóng góp giá trị vào văn chương Công giáo đương đại, đó là việc khắc họa thành công hình tượng tích cực về các Linh mục Công giáo trong một giai đoạn lịch sử dân tộc có những biến cố lớn lao. Tác phẩm của Song Nguyễn cũng phản ánh được nhiều mặt đời sống người Công giáo từ 1945 đến thời kỳ đổi mới 1986” [3, tr.14]. Giai đoạn hiện nay, theo nhà nghiên cứu Dương Phú Hiệp, “cần giải quyết vấn đề tôn giáo dưới góc độ văn hóa và phải xem xét giáo dục tôn giáo là vấn đề quan trọng” [1, tr.50]. Bởi thế, công trình của Bùi Công Thuấn đã khẳng định một luận điểm hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện tại khi cho rằng những tác phẩm của Song Nguyễn với giá trị hiện thực, tinh thần nhân văn, đã góp một thông điệp ý nghĩa vào công cuộc “xây dựng nền văn hóa Công giáo trong lòng văn hóa dân tộc”, vì đó là nhiệm vụ của mọi thành phần dân Chúa, “họ vừa là Kitô hữu vừa là con dân Việt Nam, vừa phải thấm nhuần văn hóa dân tộc vừa phải làm cho đức tin Kitô giáo trở thành một phần trong di sản văn hóa ấy. Con đường còn rất dài ở phía trước” [3, tr.205].
Tài liệu tham khảo
[1] Dương Phú Hiệp (Chủ biên, 2010), Nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[2] Nguyễn Đức Lữ (2007), Lý luận về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
[3] Bùi Công Thuấn (2019), Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
[1] Song Nguyễn là bút danh của Đức Giám mục Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc.
Văn Háo Đất Mới