Thánh Lễ Làm Phép Nhà Nguyện Thánh Thể và Thánh hiến Bàn thờ trên đỉnh Núi Cúi.

Sáng ngày 14 tháng 10 năm 2023 – Một ngày đặc biệt và nhiều niềm vui của Giáo Phận Xuân Lộc. Dịp kỷ niệm 58 năm thành lập Giáo phận. Trong dịp này, Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân – Giám mục Giáo phận làm phép Nhà nguyện và thánh hiến Bàn thờ trong nhà nguyện trên đỉnh Núi Cúi. Đánh dấu một trong những hạng mục công trình của trung tâm được hoàn thiện. Đây cũng là thời khắc của niềm vui khi quý Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ đại diện các dòng tu, quý vị đại diện các hội đoàn trong Giáo phận cùng đi lên Núi Cúi để tham dự và rất đông con cái của giáo phận từ khắp nơi hướng về  hiệp thông qua thánh lễ trực tuyến.

Cùng đồng tế với Đức cha Gioan có Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo – Nguyên Giám mục Giáo phận, Đức Ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú- Đặc trách công trình xây dựng TTHH, Cha Đa Minh Nguyễn Tuấn Anh – Tổng Đại Diện, Cha Phaolô Nguyễn Ngọc Phương- Giám đốc ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc, quý Cha Quản Hạt, cùng rất đông quý Cha xứ, Cha phó, cũng như các Cha dòng đang phục vụ trong Giáo phận.

Sau ca nhập lễ, Đức Cha Gioan làm phép nước và rảy nước thánh trên cộng đoàn. Đây là dấu chỉ thống hối và để nhắc lại Bí tích Rửa tội của các tín hữu.

Trong bài giảng chia sẻ với cộng đoàn dân Chúa, Đức Cha Gioan đã chia sẻ hai nội dung chính (1) lịch sử đền thờ- nơi tế lễ lên Thiên Chúa và đền thờ đích thực mà Thiên Chúa mong đợi; (2) Bí tích Thánh Thể và nguồn sống dồi dào dân Chúa được hưởng nhờ mỗi Thánh Lễ các linh mục dâng. Với ý đầu tiên, Đức Cha nhắc nhớ lại lịch sử của những đền thờ được nhắc đến trong Kinh Thánh, từ Cựu Ước đến Tân Ước. Lịch sử đền thờ có thể khởi đi từ phiến đá mà Ông Abraham đã dùng để làm bàn thờ để tế lễ lên Thiên Chúa, trải qua bao thế hệ, cho đến đền thờ Giêrusalem do Salomon xây dựng theo ý Vua cha là Đavid. Một ngôi đền thờ nguy nga lộng lẫy như Giêrusalem, cũng phải trải qua nhiều thời kỳ bị phá hủy, tái kiến thiết…Và rồi, như Đức Cha chia sẻ “lịch sử đền thờ mà chúng ta vừa nghe, là những công trình hình thức bên ngoài cho nhu cầu của dân Chúa. Nhưng đền thờ bên ngoài đó cần phải có “tâm hồn”, sự tối cần của con người khi thờ phượng Thiên Chúa.” Đức Cha nhấn mạnh và nhắc lại lời Chúa Giêsu giận dữ với những người đang buôn bán trong đền thờ “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi trộm cướp.” (Ga 2,16). Để thanh tẩy đền thờ- nơi xứng đáng tế lễ lên Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã biến Ngài thành Đền thờ để tế lễ chính Ngài lên Chúa Cha bằng chính cái chết và sự phục sinh của Ngài, và mời gọi mọi người hướng đến Đền thờ trên Thiên quốc, mà chính Thiên Chúa là Đền thờ, là Ánh sáng. Quy tâm lại Chúa Kitô trong đời sống đức tin, thờ phượng Thiên Chúa của người tín hữu, Đức Cha nhấn mạnh rằng: những gì thuộc về bên ngoài của đền thờ là cần thiết, nhưng để cho đền thờ có ý nghĩa đích thực cần phải có “yếu tố” bên trong là Chúa Kitô, người tín hữu cần có một tâm hồn thuộc về Thiên Chúa. “Chính nhờ Chúa Kitô, chúng ta có một đền thờ tối cao, có ý nghĩa cả bên trong lẫn bên ngoài.” Và như vậy, đền thờ đích thực đó, Hội Thánh của Chúa Giêsu, được khai sinh từ cạnh sườn của Chúa Giêsu, nhờ máu và nước của Ngài.
Chuyển tiếp từ đền thờ sang tầm quan trọng và phúc ân lãnh nhận từ Bí tích Thánh Thể, Đức Cha nhấn mạnh rằng “Bí tích Thánh Thể là tâm điểm của mọi Bí tích”. Chính Chúa Giêsu là Chiên Vượt Qua của Hội Thánh, cứu độ con người bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài”. Thế nên, nếu mỗi ngày hoặc các Chúa Nhật, có gần 800 linh mục của Giáo phận Xuân Lộc ý thức dâng thánh Lễ thật thánh thiêng, tử tế, thì hơn một triệu tín hữu sẽ lãnh nhận được biết bao ơn ích từ Thánh Lễ, Thánh Thể mà người giáo dân lãnh nhận. Không chỉ dừng lại ở đó, Đức Cha còn nhắc lại ba hiệu quả, ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể: Chúa Giêsu trở nên lương thực nuôi dưỡng dân Chúa; Thánh Thể Chúa đưa người tín hữu nên giống Chúa, trở thành lễ phẩm dâng lên Chúa Cha; Thánh Thể đưa chúng ta lên tầm cao hơn, hướng về Cánh chung, sự sống đời đời.
Trước khi kết thúc bài giảng, Đức Cha chia sẻ với cộng đoàn thiết lập một cộng đoàn Quý Dì Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể. Để từ nơi đây, Quý Dì thực hiện đặc sủng của mình cầu nguyện từ sáng sớm tinh sương đến khi chiều về để Thánh Thể được tôn vinh và các tín hữu được hưởng ơn ích khi hành hương đến đây.  nhanguyennuicui 2

  nhanguyennuicui 4  nhanguyennuicui 5    nhanguyennuicui 7        nhanguyennuicui 12             Sau bài giảng, Đức Giám mục Giáo phận đã cử hành Nghi thức Cung hiến Bàn thờ. Nghi thức bắt đầu bằng Kinh Cầu Các thánh, rước và đặt di cốt các Thánh Tử đạo Việt Nam, Xức dầu bàn thờ, xông hương bàn thờ và thắp sáng bàn thờ. Di cốt của ba vị thánh tử đạo đại diện cho 3 miền Bắc – Trung – Nam được đặt dưới chân bàn thờ là Thánh linh mục Philipphê Lê Bảo Tịnh, Thánh Linh mục Gioan Đoàn Trinh Hoan và Thánh Philipphê Phan Văn Minh. Trước khi kết thúc Nghi thức, là phần ký và công bố chứng thư cung hiến Bàn thờ. Ký nhận trong Chứng thư của Đức Giám mục Giáo phận ban hành có Đức Ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú – Đặc trách công trình xây dựng TTHH Đức Mẹ Núi Cúi và ông Chánh Phêrô Lê Vũ Tiến, đại diện giáo dân. Liền sau đó, Đức Cha Giáo phận đã trao Chứng thư cho Cha Tổng Đại diện để ngài công bố chứng thư này cho cộng đoàn được biết.             Thánh Lễ được tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể trong niềm vui, sự linh thánh và sốt mến của quý Đức Cha, quý cha và cộng đoàn tham dự.
Sau lời nguyện hiệp lễ, Cha Đaminh Nguyễn Tuấn Anh – Tổng Đại Diện thay lời cho Ban Tổ Chức cám ơn Quý Đức cha và cộng đoàn.
Trước khi lãnh nhận phép lành, qua phương tiện truyền thông, mọi người cùng lắng nghe chia sẻ thật tâm tình của Đức Cha Cố Đa Minh Nguyễn Chu Trinh vì sức khỏe nên không thể hiện diện. Đức cha nói: Tôi tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã cho anh em xây dựng chúng tôi ơn rất đặc biệt là được xây dựng trung tâm hành hương này. Nếu Chúa không trao cho chúng tôi mà trao cho những người khác, thì tôi tin chắc rằng họ sẽ làm tốt hơn chúng tôi. Ngay từ khi Giáo Phận có ý định xây dựng trung tâm hành hương Núi Cúi, tôi đã nghĩ đến ngay các cha và xin các cha người nhiều người ít đóng góp vào công trình xây dựng Nhà Nguyện Thánh Thể. Đây là trung tâm của Núi Cúi. Bao hi sinh, cầu nguyện và đóng góp của quý cha mà đặc biệt các cha cố, ngay cả các cha cố đã nghỉ hưu và đau bệnh. Tôi rất trân trọng. Nhân dịp này, tất cả giáo phận cùng dâng lên Chúa lời Tạ ơn. Tôi xin quý Đức cha, quý cha và mọi người tiếp tục cầu nguyện và đóng góp để công trình Núi Cúi được hoàn thành tốt đẹp.

Tin : Sr. Teresa Ngọc Lễ, O.P + Hình : Truyền Thông Trung Tâm Đức Mẹ Núi Cúi.

Từ khoá:

Bài viết liên quan ĐỨC MẸ NÚI CÚI