Người tu sĩ nếu có hy sinh trong lúc đang phục vụ thì đó là một hồng ân

(DMNC) Tu sĩ là người đi theo Chúa sống cuộc đời dâng hiến nếu có hy sinh đang lúc phục vụ thì đó là một hồng ân

Đó là chia sẻ của nữ tu (sơ) Anna Đặng Thị Hành thuộc Dòng Thừa sai Đức Bà các Thiên Thần (Missionnaires de Notre-Dame des Anges) – Một tu sĩ tình nguyện đã có khoảng thời gian tham gia hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Đối với Sơ Anna, niềm vui của đời thánh hiến không chỉ dừng lại trong khuôn viên nhà dòng mà chính là được phục vụ mọi người, dù có hy sinh đang lúc phục vụ thì đó là một hồng ân vì mình sống đúng với bản chất và lời mời gọi của Chúa. Thế nên đại dịch Covid-19 có lẽ là dịp để cho người sống đời thánh hiến biết dấn thân mình nơi các bệnh nhân mà Chúa gửi gắm đến cho họ phục vụ.

bbbbbbbb

 Là một nữ tu tình nguyện phục vụ tại các bệnh viện dã chiến. Sơ có cảm nhận như thế nào trong khoảng thời gian phục vụ các bệnh nhân nhiễm Covid-19?

Trước hết tôi cảm thấy biết ơn Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng và văn phòng Tu sĩ đã tạo cơ hội cho những anh em tu sĩ có cơ hội tham gia vào công tác chống dịch, cảm ơn Ban Tôn giáo và các Ban ngành Y tế, nếu không được sự cho phép và sự hỗ trợ của họ thì cho dù tôi có muốn tham gia chống dịch thì cũng khó có thể tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân. Và cũng cảm ơn các bệnh nhân vì như trong một bức thư viết cho các thiện nguyện viên của Đức Tổng, ngài viết “các bệnh nhân Covid-19 đang chịu đau khổ là để góp phần chữa lành cho một nhân loại đang mang lắm thứ bệnh tâm hồn. Bệnh nhân Covid-19 đang chịu khổ thay cho chúng ta, và chúng ta mắc nợ các bệnh nhân. Vì thế người khỏe mạnh có nghĩa vụ cầu nguyện và giúp đỡ họ”

Qua đó, đới với tôi đó là cơ hội để được phục vụ Chúa và tha nhân thông qua các bệnh nhân, và cũng là cơ hội để sống cuộc đời dâng hiến của mình như là một nữ thừa sai.

Tuy thời gian làm việc tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 Thủ Đức chỉ có 2 tháng 5 ngày nhưng lại là một khoảng thời gian khó có thể quên được. Với tôi đó là một kỷ niệm cũng kinh nghiệm sẽ theo tôi suốt cuộc đời. Khi nhớ lại những ngày làm việc ở bệnh viện những cảm xúc trong tôi vẫn dâng trào, có vui, buồn và hồi hộp. Tôi vui vì mình được góp phần chia sẽ gánh nặng với ban y tế cũng như bệnh nhân; vui vì đã mang lại niềm vui, sự an ủi cho các bệnh nhân mà tôi đã có cơ hội tiếp xúc, tôi vui vì học được nơi họ bài học của sự lạc quan, kiên cường nó giúp tôi mạnh mẽ vững bước hơn trong đời sống dâng hiến,… Tuy nhiên bên cạnh đó cũng không thế thiếu sự đau buồn. Tôi đã buồn và nối tiếc cho một số bệnh nhân mà tôi không còn có thể gặp lại họ trên trần gian này. Do vậy, tôi luôn có cảm giác hồi hộp lúc chờ đợi kết quả xét nghiệm hằng tuần của các bệnh nhân. Mọi người hay đùa nhau là chờ kết quả xổ số.

ggggggllllllll
Sr: Anna Đặng Thị Hành thuộc Dòng Thừa sai Đức Bà các Thiên Thần (Missionnaires de Notre-Dame des Anges)

Trước khi vào tâm điểm của dịch, sơ đã chuẩn bị những gì từ phía chuyên môn cũng như tâm lý?

Về chuyên môn thì thật sự tôi không biết gì về y khoa vì tôi học chuyên nghành kế toán. Nhưng đứng trước hoàn cảnh mà cả TP. HCM đều gồng mình chống dịch, tôi muốn mình đăng ký tham gia hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ trong giai đoạn khó khăn đó, dù biết mình không có chuyên môn nhưng nếu họ cần giúp ở bộ phận nào tôi đều sẵn sàng tham gia, miễn là cùng chung tay đẩy lùi dịch bênh.

Để có thể tham gia thiện nguyện ở thời điểm đó tôi phải được sự cho phép của gia đình cũng như Bề trên tổng quyền của Hội dòng, vì tôi đang ở giai đoạn học viện nên mọi quyết định không thể nào mình quyết được. Sau đó ý kiến của tôi đã được chấp nhận. Thật sự lúc đó tôi rất vui và hạnh phúc.

 Mọi người bảo tôi“đi tham gia tuyến đầu là đi vào chiến trường, vì là chiến trường nên sẽ có sự hy sinh, mà kẻ thù ở đây lại vô hình nên rất khó lường”. Còn tôi lại nghĩ: “Tu sĩ là đi theo Chúa sống cuộc đời dâng hiến vậy nếu có hy sinh đang lúc phục vụ thì đó là một hồng ân vì mình sống đúng với bản chất và lời mời gọi của Chúa”. Đó là động lực để tôi quyết tâm tham gia thiện nguyện.

Lúc đó tôi chỉ sợ mình không có chuyên môn không biết có giúp được gì không, nhưng rồi với ước muốn được chia sẻ những hồng ân mình nhận được cho những người đang chịu đau khổ với hy vọng nhỏ nhặt là có thể góp phần tăng thêm sức mạnh cho bệnh nhân vượt qua được căn bệnh này, chính điều đó đã thôi thúc lên đường. Tôi đã xếp đồ sẵn sàng chờ gọi tên từ đợt 1 và đến đợt 2 vẫn xém bị rớt.

Sơ có thể chia sẻ thêm những kỷ niệm mà Sơ thấy nhớ nhất trong thời gian phục vụ cho mọi người đc biết không ạ?

Nhớ lại ngày đầu tiên đi làm chứng kiến cảnh tượng các bác sĩ, điều dưỡng xúm nhau lại cấp cứu cho một bệnh nhân, sau một hồi chiến đấu dành sự sống cho bệnh nhân nhưng không thành công, nhìn mấy anh chị điều dưỡng rút hết các ống của các máy móc cho bệnh nhân, lau chùi cho bệnh nhân rồi  đặt vào một chiếc bao đen lớn, nhìn thấy mà không khỏi bàng hoàng xót xa trộn lẫn nỗi sợ. Tôi chỉ biết dừng công việc dỡ dang, thầm đọc kinh cầu nguyện cho họ cũng như người thân của họ.

Tuần đầu đi làm, tôi chưa quen với việc thay tã cho bệnh nhân đặc biệt là bệnh nhân nam nên rất ngại mỗi khi có bệnh nhân nam nhờ thay. Trong êkip làm việc có một thầy làm chung nên mỗi khi có bệnh nhân nam nhờ, tôi lật đật đi tìm sự trợ giúp của thầy. Khi ra ca trong lúc ngồi đợi xe tới đón, mọi người chia sẻ cho nhau nghe về những kinh nghiệm vừa trải qua, tôi cũng chia sẽ cho họ nghe về chuyện của tôi, ai cũng cười tôi thế là lần sau tôi tự mình làm không phải lăng xăng đi nhờ nữa.

Sau khi mọi việc trở nên quen thuộc tôi dành thời gian đi thăm bệnh nhân ở các khoa khác. Một lần đang cùng với một linh mục cử hành bí tích xức dầu cho một bệnh nhân, có một bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy có mặt ở đó, vị bác sĩ  này tiến lại gần tôi và nhờ qua phòng bệnh bên cạnh cầu nguyện cho một bệnh nhân mà theo bác sĩ thì bệnh nhân này sẽ khó qua khỏi, mặc dù bác ấy không biết bệnh nhân này có đạo hay không. Điều này làm tôi rất cảm động, tôi cảm nhận sự hiện diện của các tu sĩ mang lại niềm tin tưởng cho đội ngũ y bác sĩ và là chỗ dựa tinh thần, niềm an ủi cho các bệnh nhân đang điều trị. Tôi đã thầm tạ ơn Chúa không ngừng bởi họ cảm nhận được sức mạnh của lời cầu nguyện của người công giáo.

Một lần khác, tôi và 1 người chị em đang đi thăm một số  bệnh nhân ở khu chăm sóc đặc biệt, có một chị điều dưỡng lại nói với chúng tôi đến cầu nguyện cho một số bệnh nhân rất nặng có lẽ sẽ không qua khỏi ở khu chị trực. Chúng tôi đã đến bên giường của bệnh nhân và đọc kinh cầu nguyện cho họ. Cho dù họ có Công giáo hay không Công giáo thì họ vẫn là con cái Chúa và họ đang cần một sự nâng đỡ về tinh thần.

Tôi có một bệnh nhân còn trẻ mà tôi thường xuyên thăm hỏi vì em ấy bị nặng và ở khá lâu trong khu chăm sóc đặc biệt, mỗi lần tỉnh táo em ấy muốn nói chuyện: có lẽ em cần gì đó nhưng vì em đặt nội khí quản nên không nói thành tiếng được, những lần như vậy tôi cảm thấy bất lực vì không biết em cần gì để giúp em. Tôi chia sẽ điều đó cho sơ Bề trên của tôi, sơ bảo chắc em muốn gặp người thân, lần sau em lại nói nữa, tôi hỏi em có phải em muốn gặp người thân không em gật đầu lia lịa thế là tôi xin phép bác sĩ để gọi điện cho em gặp chị mình. Một lần khác em muốn viết, tôi lấy giấy bìa carton cho em viết, em cố gắng hết sức rồi cũng viết được mấy từ nghuệch ngoạc, tôi phải nhờ bác sĩ dịch hộ. Còn nhiều kỷ niệm khác nữa có lẽ kể cả ngày vẫn chưa hết.

Khó khăn trong quá trình phục vụ cho các bệnh viện tại bệnh viện dã chiến Sơ có gặp gì khó khăn k ạ? Nếu có đâu là động lực để Sơ vượt qua khó khăn đó?

Thời gian đầu chưa quen với bộ đồ bảo hộ, thấy nó thật nặng nề và vướng bận làm sao. Chỉ cần lau một dãy phòng bệnh là hơi nước từ hơi thở tụ lại che kín cả tấm kính chắn giọt bắn, làm cho mọi việc trở nên khó khăn và chậm chạp hơn. Những lúc như vậy tôi thầm cảm ơn Chúa vì tôi vẫn còn khỏe mạnh, vẫn đi lại được, vẫn còn sức để làm việc và cũng cảm ơn bộ đồ bảo hộ đã giúp tôi tránh lây nhiễm trong suốt thời gian đó.

Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân điều làm tôi ngậm ngùi xót xa là những sự chia ly không trống không kèn, không lời từ biệt. Có những bệnh nhân hôm trước còn đút cho ăn, còn nói chuyện được, hôm sau đi tìm thì họ không còn nữa. Những lúc đó chỉ biết hướng về Chúa, dâng hết mọi sự cho Chúa vì con chỉ có thể làm được có thế thôi.

Có những lúc cũng mệt, nhất là thời gian trực ca đêm lau dọn một mình. Trong đầu tôi lại vang lên bài hát “Tất Cả Là Hồng Ân” thế là miệng tôi nhâm nhi hát đi hát lại mấy câu “Tất cả là hồng ân Chúa nên con có gì mà giữ riêng mình,Tất cả do Chúa thương ban, nên con chỉ là người quản lý thôi.Con sẽ là tôi tớ tín trung khi mỗi ngày con biết chia sẻ. Con mãi là đầy tớ bất trung, khi ân huệ Ngài con giữ cho riêng mình”. Vâng tôi không thể giữ ân huệ đó cho riêng mình, mọi người đang cần đôi tay, đôi chân, những cái nhìn cảm thông, những lời nói ủi an của tôi. Điều đó giúp tôi làm việc hăng say hơn.

 Sơ có điều gì muốn gửi gắm đến mọi người đang theo dõi cũng như các bệnh nhân, các bác sĩ, tu sĩ đang chống chọi với dịch không?

“Ơn của Thầy đã đủ cho anh em” (2Cr 12,9). Tôi tin là Chúa không trao cho ai cái gì quá nặng, vượt quá sức chịu đựng của người đó. Nếu có nặng thật thì do con người chồng chất thêm cho nhau mà thôi. Nhưng khi mỗi người chung tay chia sẽ cho nhau gánh nặng điều đó trở thành niềm vui và sự nối kết tình thân,tình bằng hữu, tình đoàn kết giúp nhau vượt qua mọi sự cách nhẹ nhàng hơn.

Tôi biết ơn và cảm kích trước sự dấn thân bền bĩ của các bác sĩ, nhân viên y tế và đội ngũ tình nguyện viện vẫn đang chống chọi với dịch bệnh. Tất cả quý vị đều là những anh hùng. Xin Chúa chúc lành và ban nhiều ơn phúc cho quý vị để qua sự chăm sóc của quý vị, các bệnh nhân được mau chóng bình phục sớm trở về cùng gia đình.

*** Một lần nữa con cảm ơn Sơ những chia sẻ quý báu giành cho Báo Conggiaoinline.com, chúc Sơ nhiều sức khỏe, bình an và vững bước trên hành trình dâng hiến.

Trần Hà : ( conggiaoonlie.com)

Từ khoá:

Bài viết liên quan SỐNG ĐẠO