(ĐMNC) Hành trình của một người phụ nữ đặc biệt, hơn mười năm âm thầm ròng rã không kể ngày nắng hay mưa, đông hay hè, một mình lặng lẽ tới các phòng khám, cơ sở y tế để xin các thai nhi bị bỏ rơi mang về nghĩa trang Đồi Cốc (thuộc xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội) để an táng.
Người mẹ đặc biệt này là bà Nguyễn Thị Nhiệm, một công dân của Giáo hội, hiện bà đang sinh sống tại thôn Đồi Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn Hà Nội. Bà đã âm thầm không quản nắng mưa, lặn lội khắp các ngã đường ở Hà Nội để đưa những sinh linh bé nhỏ về “ngôi nhà chung” Đồi Cốc trong suốt hơn 10 năm qua.
Nơi bình yên cho các em bị bỏ rơi
Đối với nhiều người, nghĩa trang đó không phải là nơi hạnh phúc. Nhưng nó lại là nơi bình yên nhất đối với hàng nghìn sinh linh bé nhỏ bị bỏ rơi, mỗi một ngôi mộ là 2000 em, hơn mười năm qua với hành trình âm thầm ròng rã từ các phòng khám, các cơ sở y tế để xin các hài nhi bị cha mẹ bỏ rơi bà mang về nghĩa trang chôn cất, đến nay nghĩa trang Đồi Cốc đã khoảng 100.000 em được tay bà Nhiệm và các bạn tình nguyện viên giúp đỡ chôn cất.
Bà Nhiệm chia sẻ: “Những ngày đầu tôi rất khó khăn trong việc tìm cho các bé một chỗ an táng, cuộc sống gia đình khó khăn chỉ nhờ mảnh ruộng gần nghĩa trang của giáo xứ, tiền không đủ để mua đất an táng cho các bé. Nhưng sau tôi quyết định giành một phần mảnh ruộng của gia đình làm chỗ an nghỉ cho các bé, nhiều người nói tôi là dở hơi, tâm thần khi làm công việc này, một công việc không giống người bình thường” nhưng bà đã bỏ ngoài tai tất cả và làm công việc này với chính cái tâm của mình.
Sự hy sinh ấy đối với bà đó không chỉ là một điều dễ dàng, bà đã bất chấp những lời đàm tiếu của bà con hàng xóm, những cái dỡ hơi mà bà con hàng xóm nhận xét, không quản khó khăn bà Nhiệm vẫn âm thầm với công việc của mình với sự động viên khích lệ của gia đình và Cha xứ. Thời gian trôi qua số lượng thai nhi được đưa về đây ngày một đông, dần dần công việc của bà được sự ủng hộ và giúp đỡ của người dân khi họ nghĩ ra rằng bà Nhiệm đang làm một hành động rất cao quý. “Mảnh đất nghĩa trang giờ được các ân nhân, các mạnh thường quân giúp đỡ mua nay được mở rộng để lấy chỗ cho các em về với đất mẹ tôi cảm thấy rất hạnh phúc, giờ không còn phải lo lắng chỗ an nghỉ cho các em” bà Nhiệm chia sẻ.
Một công việc của những con người thầm lặng
Suốt hơn mười năm qua không chỉ một mình bà Nhiệm chôn cất, bà được rất nhiều các bạn tình nguyện viên giúp đỡ công việc của mình, nhờ có các bạn trẻ tình nguyện viên, cứ mỗi độ hai tuần một lần các bạn lại đến với nghĩa trang cùng bà chôn cất thai nhi, mỗi lần an táng số lượng thai nhi lên tới 150 đến 250 em.
Vào cuối tuần các nhóm thiện nguyện về đây phụ giúp bà Nhiệm rất đông, họ đều là các bạn trẻ đến từ mọi miền trên cả nước đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Họ chia sẻ những ngày đầu đi đến các phòng khám, các cơ sở y tế xin các em về cũng gặp rất nhiều khó khăn vì các bác sỹ đều nghi ngờ có mục đích không bình thường, nhưng với sự kiên trì và tâm huyết của các thành viên trong nhóm họ đã thuyết phục được các bác sỹ và mang các em về khâm niệm.
Chị Vân Anh một thành viên trong nhóm bảo vệ sự sống Hà Nội chia sẻ: “Lần đầu nhìn thấy các em tôi rất sợ và không thể cầm được nước mắt khi tận mắt nhìn thấy những hình hài bị cắt đi những phần tay chân ra từng đoạn một. Nhưng càng tiếp xúc với công việc nhiều, nỗi sợ hãi của tôi không còn nữa thay vào đó là niềm hạnh phúc khi mình đang cứu sống một linh hồn bé nhỏ”
Anh Chung – một sinh viên Công giáo Thái Bình tại Hà Nội chia sẻ: “Dù mới tham gia hoạt động của nhóm nhưng tôi rất khâm phục tấm lòng cao cả của bác Nhiệm, một người mẹ thật vĩ đại”
Và như thế, họ đã lặng lẽ như một thói quen, nhẹ nhàng như một điều bình thường, tang lễ không có sự gào thét, không có người thân, chỉ có những nghĩ suy, những nổi đau âm ỉ trong lòng của bà Nhiệm với những người trẻ tình nguyện bao trùm lên nghĩa trang Đồi Cốc. Những nén nhang, bông hoa là tất cả những gì mà những người đang sống dâng lên cho các em như một lời chào tạm biệt, họ đã âm thầm với những công việc tưởng chừng như dở hơi này nhưng lại là một nghĩa cử rất cao đẹp và đáng trân trọng trong xã hội ngày nay.
“ Được sự quan tâm giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, nghĩa trang xây dựng được ngôi nhà liệm nhỏ, một chiếc tủ bảo ôn, các vải niệm, quần áo trẻ sơ sinh, sau khi các hài nhi được đưa về sẽ bảo quản trong tiếc tủ, và thường cuối tuần cùng với các bạn tình nguyện viên đến giúp đỡ, các em được chôn cất cùng một lúc. Nhờ có các bạn trẻ tôi mới bớt khó khăn” Bà Nhiệm chia sẻ thêm.
Có thế nói rằng, hành trình hơn mười năm đi tìm và chôn cất các sinh linh bé nhỏ bị bỏ rơi, có rất nhiều cảm xúc trong bà. Công việc mà người đời trước kia người ta thường bảo bà “dở hơi, tâm thần” giờ cũng nhận rất nhiều người ủng hộ và khâm phục một tấm lòng đầy nhân ái. Hằng ngày, bà Nhiệm luôn túc trực tại nghĩa trang để quét dọn, lau chùi, nhổ cỏ, thắp hương, đọc kinh cầu nguyện cho các em.
Ngồi nói chuyện với bà, tôi cũng rất khâm phục – một người phụ nữ rất đỗi bình thường như bao phụ nữ khác, nhưng càng tiếp xúc lâu với người phụ nữ bình thường ấy mới hiểu rằng bà có tấm lòng thật rộng lượng. Khi tôi hỏi bà về công việc này sẽ gắn bó đến bao lâu, bà nói: “ ngày nào tôi còn sống và đi lại được tôi vẫn tiếp tục với công việc này, để mong cho các em có một ngôi nhà ấm cúng, hạnh phúc, không phải chịu cảnh bơ vơ ngoài trời. Tôi không làm được thì có chồng, có con, có cháu sẽ làm thay tôi, mình làm tất cả xuất phát tù cái tâm của mình chứ không vì lợi lộc gì”.
Ước nguyện mà bà Nhiệm luôn cầu xin mỗi lần đến với nhà thờ là mong số lượng thai nhi bị phá mang về đây ngày một ít, các bạn trẻ ý thức hơn, trách nhiệm hơn về hành động của mình.
Trần Hà – conggiaoonline.com