Chúng ta luôn cần đến Đức Mẹ, để được dẫn dắt trong trường đức tin, để được Thánh Thần che chở, soi sáng, dạy dỗ, như Thánh Grignion de Montfort gợi ý: “Nơi đâu có Đức Mẹ nơi đó Chúa Thánh Thần bay đến”4). Chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta học biết Đức Kitô từ bên trong và được biến đổi cách toàn diện. Thánh Thần giúp chúng ta sống gần bên Mẹ, yêu mến Mẹ, để trở nên môn đệ chí ái của Chúa : “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,27).
Chúng ta học noi gương Đức Mẹ để trở nên giống Đức Kitô. Bởi lẽ, Đức Mẹ luôn đưa những con cái Mẹ đến cùng Chúa Giêsu, vắng nghe Chúa và thi hành ý muốn của Chúa: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5).
Ở trên đời này, người ta ít thấy trường hợp một người mẹ học ở trường của con mình. Nhưng trong lãnh vực đức tin thì khác. Dù Đức Mẹ là mẹ của Đức Giêsu về phương diện thể lý, nhưng trong vấn đề cứu độ, thuộc phạm vi đức tin, Người lại là môn đệ của con mình. Thánh Augustinô nói về điều này trong một tư tưởng súc tích và độc đáo: “Mẹ và đồng thời là môn đệ” (Mater et simul discipula). Tư tưởng này được tái khám phá trong Công đồng Vaticano II, và ảnh hưởng trên giáo huấn về Đức Mẹ của Công đồng. Chính Đức Phaolô VI lấy lại hình ảnh này trong Marialis Cultus, 35.
Một lý do khác để học trường Maria, là học chiêm ngắm Đức Maria, vì Maria là hình ảnh Hội Thánh, Đấng “quy tụ và phản chiếu nơi chính mình một cách nào đó những đòi hỏi tối thượng của đức tin” (LG 65). Cần phải khuyến khích mọi sáng kiến nhằm giúp các tín hữu nhận biết vai trò đặc biệt của Maria trong mầu nhiệm cứu độ, yêu mến Người với tình con thảo và noi theo gương đức tin cũng như các đức hạnh của Người. “Maria là hình ảnh của một người thưa xin vâng với Thiên Chúa và phục vụ những ý định của Thiên Chúa”(6).
Một vài tư tưởng và lời khuyên về lòng kính mến Đức Mẹ
Maria, hình ảnh của Hội Thánh. Chiêm ngưỡng Mẹ để hiểu biết và yêu mến Hội Thánh cách xứng hợp, nhờ thế tín hữu sẽ gắn bó thêm hơn với Chúa Giêsu, Con Mẹ, Đấng Cứu Độ trần gian.
“Hội Thánh mang nét mặt Maria. Hãy chiêm ngưỡng dung nhan này” (X. Isaac de 1Étoile).
“Thế hệ này, được nuôi dưỡng bởi tín điều và bởi Thánh Thể, sẽ làm nhiều điều vĩ đại. Nhưng nó còn phải khám phá Đức Trinh Nữ…” (P. Doncoeur (1880-1961), Etudes 20.6.1927, 695).
“Hội Thánh sẽ được tràn đầy một niềm vui lớn khi, với lòng sùng kính đối với Bí tích Thánh Thể cực thánh, những người (chủng sinh) trẻ này có thêm một lòng sùng kính đặc biệt đối với
Đức Trinh Nữ Maria; lòng sùng kính này thúc đẩy linh hồn phó thác chính mình cho Mẹ Thiên Chúa và thúc giục họ noi gương các đức hạnh của Người, theo nghĩa là người ta sẽ không bao giờ có gì phiền trách nơi sinh hoạt của một linh mục, mà khi còn trẻ được nuôi dưỡng bởi một tình yêu vượt bậc đối với Chúa Giêsu và Mę Maria” (Pio XII, Menti Nostrae).
“Họ (các chủng sinh), phải lấy lòng tin cậy như con thảo mà tôn kính và yêu mến Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, Đấng mà Chúa Kitô khi hấp hối trên Thánh giá đã ban làm mẹ người môn đệ” (Sắc lệnh Công đồng OT, 8).
“Các linh mục phải lấy lòng con thảo thành kính tôn sùng và mến yêu Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của Linh Mục Thượng Phẩm đời đời, là Nữ Vương các Tông đồ và là Đấng bảo trợ thừa tác vụ Linh mục” (Sắc lệnh Công đồng PO, 18)
Vào thế kỷ IV, Thánh Ambrosio khi giảng cho các tín hữu, bày tỏ ước muốn nơi mỗi người có sự hiện diện của Đức Mẹ để chúc tụng Thiên Chúa. “Chớ gì trong tất cả mọi người, linh hồn Đức Maria cư ngụ để chúc tụng Thiên Chúa; trong tất cả mọi người tinh thần Đức Maria cư ngụ để nhảy mừng trong Thiên Chúa”.
Vắn tắt, chúng ta có thể áp dụng lời khuyên của một linh mục thánh thiện: “Hãy yêu mến Chúa Giêsu bằng Trái Tim Đức Mẹ và yêu mến Đức Mẹ bằng Trái tim Chúa Giêsu”.
Đó là chương trình học yêu mến Mẹ như đề nghị của Cha Joseph Chaminade (1761-1850), Đấng sáng lập Hội Dòng Société de Marie (Marianist), năm 1817, để canh tân Giáo hội tại Pháp, sau tàn phá của cuộc cách mạng 1789, Ngài được Đức Giáo hoàng Gioan – Phaolô II phong Chân phước ngày 03.09.2000. Ngài đã được tôi luyện trong đức tin, qua những thử thách lớn lao của cuộc cách mạng: “Điều mà một con người trung tín phải làm giữa những xáo trộn hầu như muốn nuốt trông họ? Người ấy phải bảo vệ chính mình cách bình thản bằng đức tin. Đức tin sẽ làm cho họ tôn thờ kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đức tin bảo đảm cho họ rằng đối với những ai yêu mến Thiên Chúa, thì mọi sự đều cộng tác vào thiện ích cho họ”.
“Một Kitô hữu đích thực không thể sống cách nào khác hơn là sự sống của Chúa Giêsu Đấng Cứu độ chúng ta. Khi ta cố gắng bắt chước Người thì chương trình của Thiên Chúa được thực hiện trong đời sống chúng ta. Đức Trinh Nữ rất thánh là gương mẫu của chúng ta. Người là bản sao chính xác của Chúa Giêsu, Con của Người. Khi chúng ta sùng kính Mẹ, chúng ta sẽ bắt chước Chúa Giêsu”.
Lời nguyện yêu thích của Chân phước Chaminade:
“Chớ gì Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần được tôn vinh trong mọi nơi qua Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm”.
“Hãy luyện tập sống đạo đức; vì luyện tập thân thể thì lợi ích chẳng là bao, còn lòng đạo đức thì lợi ích mọi bề, bởi Chúa hứa ban sự sống hiện tại cũng như tương lai cho người có lòng đạo đức. Đó là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận. Thật vậy, chính vì mục đích ấy mà chúng ta phải vất vả, phải chiến đấu, bởi đã đặt hy vọng vào Thiên Chúa hằng sống, Đấng cứu độ mọi người, nhất là các tín hữu” (1Tm 4,7-10).
Lm. Anton Ngô Văn Vững, SJ